Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian được Tổng cục Thống kê ghi nhận trong Niên giám thống kê 2021, vừa phát hành ngày 1/8, đã điểm danh nhiều địa phương có mức sống đắt đỏ nhất và rẻ nhất.
Với “thang điểm 100”, Hà Nội ghi nhận là nơi có mức sống đắt đỏ nhất. Từ 2015 đến nay, Hà Nội luôn giữ số 1 về chi phí sinh hoạt cao nhất cả nước.
Quảng Ninh đứng thứ hai với chỉ số giá sinh hoạt bằng 99,5% so với Hà Nội, tăng 4 bậc so với năm 2020. Từ 2015 đến nay, chi phí sinh hoạt ở Quảng Ninh ngày càng cho thấy tăng lên và ngày càng đắt đỏ.
Theo Tổng cục Thống kê, Quảng Ninh có vị trí đắt đỏ thứ hai cả nước do là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Những năm qua, Quảng Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các ngành kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Kinh tế Quảng Ninh phát triển sôi động dẫn đến mức giá một số nhóm hàng dịch vụ cao hơn so với các địa phương khác.
Đứng thứ ba là TP. Hồ Chí Minh, chi phí sinh hoạt bằng 98,98% so với Hà Nội. Mức chi phí sinh hoạt này được ghi nhận là thấp nhất của TP.HCM từ năm 2018 đến nay.
Đà Nẵng đứng thứ tư trong số các tỉnh thành có chi phí sinh hoạt cao, bằng 96,4% của Hà Nội. Mức giá của Đà Nẵng đứng ở vị trí cao trong cả nước do đây là một trong 5 thành phố lớn của Việt Nam, là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung; trung tâm văn hóa thể thao, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính, viễn thông và tài chính, ngân hàng.
Hải Phòng có mức chi phí sinh hoạt bằng 95,58% Hà Nội, đứng thứ năm, giảm mức đắt đỏ 2 bậc so với năm 2020. Hầu hết các nhóm hàng của Hải Phòng đều thấp hơn Hà Nội từ 2,45-17,06%. Đây là địa phương tập trung nhiều ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, đặc biệt là cảng trung chuyển hàng hóa chiến lược quan trọng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao dẫn đến mức giá một số nhóm hàng hóa và dịch vụ tại Hải Phòng cao hơn so với các địa phương khác.
So với năm 2020, năm 2021 có 31 địa phương biến động giảm mức độ đắt đỏ, 27 địa phương tăng mức độ đắt đỏ và 5 địa phương không biến động. Trong đó có 10 địa phương có chi phí sinh hoạt ngày càng đắt lên, tăng từ 8-22 bậc.
Trà Vinh là địa phương có chỉ số SCOLI năm 2021 thấp nhất cả nước, bằng 87,61% so với Hà Nội. Giá bình quân các nhóm hàng của Trà Vinh so với Hà Nội trong khoảng từ 76,58-99,63%. Địa phương có giá thấp thứ hai cả nước là Hậu Giang với chi phí sinh hoạt bằng 87,68% so với Hà Nội.
Một số địa phương như Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu có biến động tăng mức độ đắt đỏ của năm 2021 so với năm 2020 tương đối cao (từ 10-22 bậc).
Kiên Giang từ vị trí 39 trong năm 2020 lên vị trí 17. Khánh Hòa từ vị trí thứ 23 trong năm 2020 lên vị trí thứ 8 trong năm 2021. Hà Tĩnh từ vị trí 35 trong năm 2020 lên vị trí 22. Đồng Tháp từ vị trí 59 trong năm 2020 lên ví trí 47.
Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (viết tắt theo tiếng Anh là SCOLI) là chỉ tiêu thống kê quốc gia, phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt giữa các vùng, địa phương trong một thời gian nhất định (thường là một năm). Chỉ số SCOLI năm 2021 được biên soạn cho 6 vùng kinh tế, trong đó so sánh giá của 5 vùng với vùng Đồng bằng sông Hồng và biên soạn cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó so sánh giá của 62 địa phương với Hà Nội. |