Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500) đã bước sang năm thứ 13 trên chặng đường tìm kiếm, ghi nhận và tôn vinh những thành tích xứng đáng của các doanh nghiệp đạt hiệu quả tốt trong kinh doanh, dựa trên tiêu chí chính là tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu. Bên cạnh đó, các tiêu chí như tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận trước thuế và uy tín doanh nghiệp trên truyền thông cũng được sử dụng như yếu tố bổ trợ để xác định quy mô và vị thế của doanh nghiệp trong ngành hoạt động.
Danh sách Top 10 của Bảng xếp hạng FAST500 năm 2023
Thông tin chi tiết về danh sách và thứ hạng của các doanh nghiệp được đăng tải trên website: www.fast500.vn.
CAGR trung bình của các doanh nghiệp FAST500 giai đoạn 2018-2021 đạt 24,6%; trong đó, khu vực tư nhân đạt 25,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 22,2% và khu vực Nhà nước đạt 17,7%. Năm nay, khu vực tư nhân vươn lên dẫn đầu về CAGR và có mức tăng so với giai đoạn trước lớn nhất (+2,3%), phản ánh khả năng phục hồi và sức bật mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân – động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam.
Hình 1: CAGR trung bình theo khu vực kinh tế của BXH FAST500
Theo nghiên cứu mới đây của Vietnam Report, 81,3% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết vẫn giữ vững được đà tăng trưởng doanh thu trong năm 2022. Khoảng 70% số doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng lên so với năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng lên của doanh thu và lợi nhuận trong giai đoạn 2021-2022 đều thấp hơn so với giai đoạn 2020-2021.
Khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận số lượng đơn hàng tăng lên trong năm vừa qua chỉ đạt 69,6%, sụt giảm đáng kể so với năm trước đó (82,1%); tỷ lệ doanh nghiệp giảm số lượng đơn hàng cũng cao hơn nhiều so với năm ngoái (21,7% so với 7,1%). Đáng lưu ý, mặc dù số lượng đơn hàng giảm sút nhưng tỷ lệ cắt giảm nhân sự giai đoạn 2021-2022 lại thấp hơn so với tỷ lệ này ở giai đoạn 2020-2021. Điều này càng làm nổi bật những nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp FAST500 nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động, vượt qua giai đoạn thị trường toàn cầu nhiều thách thức.
Hình 2: Biến động một số chỉ tiêu kinh doanh của doanh nghiệp FAST500 so với năm trước
Theo nhận định của nhóm doanh nghiệp FAST500, những khó khăn lớn nhất ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm vừa qua bao gồm: Chi phí đầu vào tăng (84,4%); Nhu cầu thị trường biến động (78,1%); Bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới (71,9%); Gián đoạn chuỗi cung ứng (50,0%) và Khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân nhân sự (44,8%). Nhìn chung, mức độ tác động của đại dịch đã giảm đi đáng kể khi các nền kinh tế trên thế giới dần mở cửa trở lại, kéo theo đó là thách thức liên quan đến gián đoạn chuỗi cung ứng dần được cải thiện.
Bên cạnh đó, theo nhóm doanh nghiệp, các ngành trọng điểm như Công nghệ thông tin, Du lịch, Vận tải… đang có tiềm năng tăng trưởng tốt trong thời gian tới. Trong khi ngành Công nghệ thông tin ít chịu ảnh hưởng từ lãi suất cao trong thời gian qua, thì với động thái dỡ bỏ chính sách Zero-Covid của đối tác lớn Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp cho rằng Du lịch/ Khách sạn/ Giải trí sẽ có sức bật trong 2-3 năm tới. Mặt khác, mặc dù từ giữa năm 2022, ngành vận tải biển “đảo chiều” mạnh, giá cước vận chuyển giảm sâu trở về thời điểm trước đại dịch, gần 50% số doanh nghiệp vẫn đặt niềm tin Vận tải/ Logistics sẽ có tín hiệu tích cực trong tương lai. Ở chiều ngược lại, Bất động sản/ Xây dựng và Tài chính/ Ngân hàng/ Bảo hiểm là những ngành được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức.
Hình 3: Những ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt trong ít nhất 2-3 năm tới theo đánh giá của doanh nghiệp FAST500
Xem đầy đủ nội dung tại đây.
Vietnam Report