Mời đi tham quan rồi bán sữa
Phản ánh tới Báo Lao Động, nhiều người dân tại TP Hải Dương cho biết trong vài tháng trở lại đây, họ liên tục được một công ty sữa mời đi tham quan nhà máy rồi dự hội thảo miễn phí.
Vấn đề ở chỗ, sau các chuyến tham quan như vậy, mỗi người đều mất tiền triệu để túi lớn túi bé sữa mang về, trong khi không rõ nguồn gốc, mơ hồ về chất lượng sản phẩm.
Ông Trần Văn Hoà (71 tuổi, TP Hải Dương) cho biết thời gian gần đây, một công ty mang tên Công ty cổ phần sữa Hoà Kỳ HD (địa chỉ 262 đường Ngô Quyền, phường Tân Bình, TP Hải Dương) liên tục về các phường trên địa bàn thành phố, gửi giấy mời người dân đi tham quan nhà máy ở huyện Nam Sách.
Người dân phải bỏ ra hàng triệu đồng để mua sữa sau “tour 0 đồng“. |
Vì được quảng bá là miễn phí nên các chuyến tham quan thu hút rất đông người tham gia. Tất cả đều là người lớn tuổi, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong,... Không hề có bóng dáng thanh niên, người trẻ tham dự.
Theo ông Hoà, có rất nhiều điểm đáng ngờ về những chuyến tham quan như vậy. Cụ thể, Công ty cổ phần sữa Hoà Kỳ HD quảng cáo là đi tham quan nhà máy nhưng khi tới nơi không hề có dây chuyền, kĩ thuật sản xuất mà chỉ thấy vài người trong nhà xưởng đang tiến hành đóng hộp. Sau đó, tất cả người dân được đưa vào hội trường để công ty chào mời mua sữa.
"Bảo đi tham quan nhưng nhà máy chẳng có gì cả, chỉ có mấy người đang đóng hộp hoàn thiện. Hỏi ra thì họ bảo nhà máy ở xa với quần áo của mình không đảm bảo tiêu chuẩn nên không được vào. Thế xong họ lùa tất cả vào hội trường tổ chức hội thảo, giới thiệu sản phẩm" - ông Hoà cho biết.
Người dân phải bỏ ra hàng triệu đồng để mua sữa sau “tour 0 đồng“. |
Theo đó, sau khi đã tập hợp người dân vào hội trường lớn, Công ty cổ phần sữa Hoà Kỳ HD bắt đầu đưa ra sản phẩm sữa Nest Tumeric Nano Curcumin, tổ chức các trò chơi, đố vui có thưởng rồi chào mời người dân mua với giá khuyến mãi.
"Họ nói sữa này rất tốt cho sức khoẻ. Bán với giá 480.000 đồng/hộp. Mua 3 hộp tặng thêm 2 hộp, rồi tặng thêm cả siro mật ong nữa. Toàn người già nên nghe thấy được lợi nên mua nhiều lắm" - ông Hoà nói.
Cũng theo chia sẻ của ông Hoà, địa điểm mà công ty tổ chức ở Nam Sách có tới 5 hội trường lớn. Cứ mỗi xe từ 50 - 60 người được đưa vào một hội trường. Không chỉ người dân ở Hải Dương mà các tỉnh thành khác cũng có người tới dự.
Cũng mua hết gần 2 triệu đồng tiền sữa, bà Nguyễn Thị Mai (55 tuổi, TP Hải Dương) cho biết, trong hội thảo, người của công ty này quảng cáo rất hay, nói là sữa có thể chữa được rất nhiều bệnh nên tin theo. Chỉ đến khi trên xe ra về, bà Mai mới bình tâm nhận ra mình đã quá nhẹ dạ.
"Lúc đó họ nói là sữa non nhập khẩu từ Mỹ, chữa bách bệnh, Ai bị đường ruột, đại tràng, tiểu đường, cao huyết áp, béo phì cứ uống là sẽ khỏi. Họ nói hay lắm. Lúc ra mình mới nhẩm tính cũng hết gần 500.000/hộp mà nhãn hiệu sữa không biết ở đâu, chẳng biết chất lượng thế nào".
Người dân phải bỏ ra hàng triệu đồng để mua sữa sau “tour 0 đồng“. |
Kết thúc mỗi chuyến tham quan "miễn phí" như vậy, mỗi người dân đều "cắn răng" bỏ ra ít nhất vài triệu đồng để mua sữa. Họ thậm chí còn phải giấu giếm, không dám nói với con cái sợ bị trách là cả tin, mua phải hàng trôi nổi, kém chất lượng.
Không những vậy, nhiều người tìm cách trả sữa, lấy lại tiền từ Công ty cổ phần sữa Hoà Kỳ HD mà không thể. Có người tìm tới địa chỉ 262 Ngô Quyền phường Tân Bình, TP Hải Dương thì mới tá hoả được biết, công ty này đã không hoạt động ở đây từ vài tháng nay.
Mô hình tinh vi đã bị cảnh báo
Không chỉ ở Hải Dương, chiêu trò tổ chức các chuyến tham quan, hội thảo miễn phí (hay còn được gọi là tour 0 đồng) đang bùng nổ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Tại Quảng Ninh, ngày 21.9, Công ty cổ phần sữa Hoà Kỳ HD cũng tổ chức chuyến tham quan cho khoảng gần 50 người đi từ phường Đại Yên (TP Hạ Long) tới khu du lịch Quảng Ninh Gate (thị xã Đông Triều). Tại đây, người tham gia tiếp tục được đưa vào hội trường để công ty tư vấn mua sữa nghệ Nest Tumeric Nano Curcumin.
Đây không phải lần đầu tiên, chiêu thức bán hàng kiểu “tour 0 đồng” xuất hiện nhưng hiện tượng này đang ngày một nở rộ với nhiều công ty, nhiều sản phẩm mới được tung ra thị trường.
Người dân phải bỏ ra hàng triệu đồng để mua sữa sau “tour 0 đồng“. |
Cũng tại thị xã Đông Triều, một công ty có tên là Tập đoàn sữa dinh dưỡng Việt Nam - New Zealand (VNZ Milk) đã tìm cách tổ chức hội thảo bán sữa ngay tại nhà của người dân địa phương.
Theo phản ánh, vào tháng 9.2020, một người đàn ông có tên Vi Xuân Quyền giới thiệu là cán bộ thị trường của công ty trên, đã chủ động tìm thuê địa điểm là nhà của một hộ dân ở mặt đường chính với giá 300 nghìn đồng/buổi.
Ngoài tiền thuê nhà, ông Quyền còn bồi dưỡng cho chủ nhà 10 nghìn đồng trên mỗi đầu khách là người già được mời đến nghe hội thảo. Sản phẩm công ty này bán ra cũng tên là Hồng Sâm Ngọc Linh.
Sau đó, với phương pháp mua 3 tặng 3 giống hệt như đã miêu tả ở trên, rồi một ngày duy nhất hạ giá, ông Quyền và bộ sậu đã bán được nhiều sữa cho những người tới dự hội thảo.
Người dân phải bỏ ra hàng triệu đồng để mua sữa sau “tour 0 đồng“. |
Trước đó, cuối năm 2019, Báo Lao Động từng phản ánh về chiêu trò lừa bán sâm với giá “cắt cổ” cũng với dạng thức "tour 0 đồng". Theo đó, một số đối tượng lợi dụng sự cả tin của người dân, tổ chức các hội nghị bán hàng đi kèm khuyến mãi hấp dẫn để bán các loại sâm với giá gấp 2 - 3 lần giá thị trường. Trong khi đó, chất lượng của các sâm được bán khiến những người mua đặt nhiều nghi ngại khi không có hướng dẫn hay chỉ định nào cụ thể.
Tình trạng các chương trình tham quan kiểu "tour 0 đồng" cũng đã nhận nhiều cảnh báo về việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Người dân rất dễ mua phải hàng giả, nhái khi tham gia những mô hình như vậy.
Giữa năm 2019, ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã khuyến cáo người dân về các "tour du lịch 0 đồng". Theo Bộ trưởng, bản chất "tour 0 đồng" là các hành vi tiêu cực, có thể cắt chương trình của khách du lịch, đưa khách vào nơi mua sắm chứ không phải du lịch.
Ông Thiện khẳng định đây là hành vi lừa đảo và kêu gọi sự chung tay của các cơ quan chức năng bao gồm Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các địa phương để xử lý tận gốc vấn đề.
Theo Lao động online