Làng Chăm Châu Phong tọa lạc tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, cách trung tâm thành phố Châu Đốc khoảng 3km. Nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của người Chăm, thu hút du khách ghé thăm tìm hiểu. Nổi bật trong số đó có thể kể đến nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tập tục sinh sống nhà sàn và tín ngưỡng Hồi giáo dưới bóng thánh đường.

W-chau-doc-nha-7-mau-lang-cham-30-1.jpg

Từ thành phố Châu Đốc, du khách thường di chuyển bằng thuyền, ghé thăm làng cá bè sắc màu ở khu vực ngã ba sông Châu Đốc rồi cập bến, đi bộ vào làng Chăm Châu Phong. Những tour du lịch này thường được tổ chức vào buổi sáng, khi tiết trời mát mẻ, dễ chịu. 

W-chau-doc-nha-7-mau-lang-cham-4-1.jpg

Theo ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, dự án “Làng bè sắc màu ngã ba Châu Đốc” có chiều dài hơn 1km với 161 lồng bè nuôi cá, được phủ lên màu sắc theo thứ tự đỏ, vàng, cam, lục, lam, tím. Du khách có thể tham quan làng bè bằng ghe thuyền, trải nghiệm cuộc sống trên những bè cá, xem hàng ngàn con cá he, cá ba sa đồng cỡ hạng, khỏe mạnh, quẫy nước tranh ăn làm văng lên tung tóe.

W-chau-doc-nha-7-mau-lang-cham-41-1.jpg

Làng nổi Châu Đốc là làng bè nuôi cá nước ngọt được hình thành từ những năm 60 của thế kỷ trước. Thời kỳ hoàng kim là trong khoảng năm 1990 đến năm 2005, các vùng Châu Phú, Phú Tân, Chợ Mới, Vĩnh Nguơn có trên 2.000 bè cá với sản lượng trung bình thu hoạch hàng năm trên 20.000 tấn/ năm. 

Kiến trúc của những “ngôi nhà” ở làng nổi cũng rất độc đáo. Những ngôi nhà gỗ được sơn nhạt, đủ tiện nghi, có đáy sâu 5m được cấu tạo bằng gỗ sao, chung quanh bọc lưới inox để nuôi cá basa và một số loại cá khác.

Xuôi theo dòng sông, qua làng bè sắc màu, du khách sẽ đến làng Chăm Châu Phong. Du khách đi men trên những cây cầu gỗ nhỏ hẹp để vào ngôi làng. 

W-chau-doc-nha-7-mau-lang-cham-10-1.jpg

Làng Châu Phong hiện có khoảng 5.000 cư dân theo đạo Hồi, với 1.000 hộ dân và khoảng 300 căn nhà gỗ còn được sử dụng. Bà con bản địa phần nhiều vẫn giữ thói quen sống trong các ngôi nhà sàn gỗ thấp. Mặt tiền nhà nào cũng có một cái thang bằng gỗ. Hai cửa cái ra vào hơi thấp so đầu người có hai ý nghĩa: Người lạ vào nhà phải cúi thấp để chào cái nhà và chào chủ nhà. 

W-nghe-si-3-1.jpg

Một số hộ vẫn còn duy trì ngành nghề truyền thống, như: Dệt thổ cẩm, sà rông, lễ phục cầu nguyện, sản xuất khô bò, tung lò mò, khăn Maturro, khăn Maspok… Nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm được khôi phục, bảo tồn đã tạo điểm nhấn thu hút du khách, tạo thêm thu nhập cho bà con.

W-chau-doc-nha-7-mau-lang-cham-12-1.jpg

Gia đình ông Mohamad (65 tuổi), ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong (thị xã Tân Châu) là hộ điển hình giữ nghề dệt truyền thống của người Chăm và mở cửa đón du khách tham quan. 2 sản phẩm truyền thống là sà rông và khăn rằn được du khách ưa thích, nhất là khách nước ngoài. Giá các sản phẩm này khá bình dân, từ 20.000 - 200.000 đồng/sản phẩm.

Đón tiếp khách tham quan, ngoài giới thiệu sản phẩm, ông Mohamad tự hào giới thiệu về lịch sử làng nghề, những giá trị đặc trưng về văn hóa, đời sống của cộng đồng dân tộc Chăm An Giang. 

W-chau-doc-nha-7-mau-lang-cham-23-1.jpg

Bà Mari học nghề dệt từ năm 15 tuổi và đã làm công việc này khoảng 50 năm. Mỗi ngày, bà dệt gần 10 chiếc khăn rằn, mỗi chiếc mất một tiếng.

Khi có khách du lịch, bà Mari cũng sẵn lòng dạy họ biết từng con thoi, sợi chỉ, cách nhuộm màu,…

W-chau-doc-nha-7-mau-lang-cham-16-1.jpg

Khác với người Chăm ở Bình Thuận và Ninh Thuận theo đạo Bà La Môn, người Chăm tại An Giang 100% theo đạo Hồi. Do đó, làng Châu Phong có nhiều thánh đường và tiểu thánh đường với kiến trúc đặc trưng của Hồi giáo. Thánh đường có hai sắc màu: trắng tượng trưng cho sự thuần khiết và xanh lục thể hiện niềm hạnh phúc, an lạc vĩnh hằng.

Theo quy tắc đạo Hồi, người Chăm ở Châu Phong mỗi ngày có năm cữ cầu nguyện, tại nhà hoặc ở thánh đường. Riêng thứ Sáu mỗi tuần, họ bắt buộc có mặt ở thánh đường cầu nguyện năm lượt.

Tại những buổi hành lễ ở thánh đường, lớp trẻ trong làng luôn được dạy dỗ cẩn thận những giáo luật của người Chăm và chữ viết, tiếng nói riêng của dân tộc. Ban ngày, các em học văn hóa, ban đêm học tiếng nói của dân tộc. 

W-chau-doc-nha-7-mau-lang-cham-38-1.jpg

Ghé thăm làng Chăm, du khách không thể bỏ qua quán bánh bò nướng thốt nốt và bánh ha nàm căn của chị Rofiah - một trong những nghệ nhân làm nổi tiếng ở làng Châu Phong. Những chiếc bánh thơm nức mùi bột gạo và dừa non, vỏ mềm mịn, vị ngọt thanh. 

W-chau-doc-nha-7-mau-lang-cham-36-1.jpg

Bánh bò Chăm có sự khác biệt với bánh bò của người Khmer và người Kinh, từ cách pha chế bột, gia vị đến cách chế biến. Sau khi bột cho vào chảo, chị Rofiah nhanh chóng lấy nắp bằng đất nung đã được làm nóng trên bếp lửa than đậy lại, khi bánh chín sẽ phồng lên và mang hương vị rất đặc trưng.

Hằng ngày, chị Rofiah chuẩn bị bột, nhóm lò từ 3-4h sáng và mở bán trong thời gian từ 6 đến 10h sáng. Mỗi chiếc bánh giá 10.000 đồng và trung bình mỗi ngày, chị bán 80 chiếc. Chị thường xuyên nhận lời mời biểu diễn làm bánh tại các lễ hội ẩm thực hoặc sự kiện du lịch.

W-chau-doc-nha-7-mau-lang-cham-32-1.jpg

Theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh (TMG), ngoài cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống đặc trưng và sự hiền hòa, thân thiện của người dân các tỉnh miền Tây (An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang...) chính là điểm thu hút du khách. Doanh nghiệp này chọn cách “cộng sinh” với bà con thông qua việc chủ động, tích cực quảng bá những nét đẹp thiên nhiên, con người và văn hóa địa phương. Khi đó, du khách tới đông hơn, góp phần tăng thu nhập cho bà con. Đổi lại, khách hàng của TMG có thêm những trải nghiệm độc đáo, khó quên.

Theo ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang, du lịch miền Tây đang có cơ hội lớn để "cất cánh" nhưng phát triển từ từ, bền vững, gắn bó chặt chẽ với văn hóa truyền thống trên địa bàn.