Hiện danh sách các nhà cung cấp của Toyota đã lên tới con số 60 trong đó có 13 nhà cung cấp Việt  Nam, tổng số sản phẩm nội địa hóa đạt gần 1.000 sản phẩm các loại.

Không chọn nhập khẩu, Toyota nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp nội
 
Theo đánh giá của các chuyên gia, so với các nước khác trong khu vực, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có một số lợi thế như nguồn nhân lực chất lượng cao, chi phí nhân công hợp lý và vận chuyển thuận tiện hơn so với các linh kiện nhập khẩu vì các linh kiện trong nước có thể được bố trí sản xuất gần nhà máy sản xuất xe.
 
Tuy nhiên, số lượng các nhà cung cấp của Việt Nam còn khá nhỏ khi so với con số 2.094 nhà cung cấp tại Thái Lan hay Indonesia là 792 nhà cung cấp và Malaysia có 627 nhà cung cấp. 
 
Một điểm yếu khác của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là đa phần các phụ tùng, linh kiện đã nội địa hóa đều khá đơn giản. Đặc biệt, các nhà cung cấp trong nước còn thiếu kinh nghiệm và nguồn lực sản xuất để tạo ra các phụ tùng, linh kiện có độ phức tạp như động cơ, hộp số. 
 

Toyota nỗ lực hỗ trợ nhà cung cấp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô

Với quy mô thị trường ô tô hiện mới chỉ vào khoảng 500.000 xe/năm nhưng lại có sự tham gia của nhiều tên tuổi, thương hiệu và mẫu mã như hiện tại, sẽ hiếm có nhà cung cấp nào sẵn sàng đầu tư sản xuất các các linh kiện chất lượng cao, đặc biệt là máy móc, khuôn và đồ gá, hoặc nếu có thì sẽ phải chấp nhận chi phí sản xuất cao, kém cạnh tranh so với linh kiện nhập khẩu cùng loại. 
 
Điểm còn hạn chế nữa là Việt Nam hiện chưa có công nghiệp vật liệu chất lượng cao (như thép hoặc nhựa chất lượng cao), trình độ kỹ thuật sản xuất còn thấp, dẫn đến các nhà cung cấp buộc phải nhập khẩu vật liệu, nên chi phí sản xuất của các nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện tại Việt Nam bị đội lên cao hơn từ 2 -3 lần so với các nước trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia.
 
Trước thực trạng này, nỗ lực của các doanh nghiệp đầu chuỗi giá trị nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam như Toyota trong chặng đường đã qua là không hề nhỏ.
 
Không chỉ tự mình phát triển sản xuất linh kiện phụ tùng ngay tại nhà máy ở Vĩnh Phúc khi đầu tư các công đoạn sản xuất xe ô tô gồm sản xuất khung gầm, dập, hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra, trong giai đoạn đầu hiện diện tại Việt Nam, Toyota đã thuyết phục được các công ty sản xuất phụ tùng linh kiện của Nhật vào Việt Nam đầu tư. 
 
Không dừng lại với các nhà đầu tư nước ngoài, Toyota Việt Nam đã quyết định mở rộng sự hiện diện của các doanh nghiệp nội địa trong danh sách các nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện của mình. Chiến lược đào tạo bài bản nhằm hỗ trợ các nhà cung cấp trong nước nâng cao năng lực quản lý đáp ứng yêu cầu chất lượng của Toyota toàn cầu đã được Toyota Việt Nam thực hiện trong hơn 20 năm qua. 

Toyota Việt Nam trực tiếp tư vấn và hỗ trợ cải tiến tại nhà cung cấp

Từ năm 2018, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam của Toyota cũng có bước ngoặt mới khi quyết định thành lập riêng một bộ phận chuyên trách hỗ trợ các nhà cung cấp, ưu tiên cho các nhà cung cấp Việt Nam, giúp họ cải tổ năng lực quản lý sản xuất, từ đó tăng hiệu suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng cho ngành ô tô toàn cầu.
 
Hoạt động này được Ban lãnh đạo Toyota Việt Nam đặc biệt chú trọng và đánh giá là yếu tố tiên quyết để nâng cao tỷ lệ nội địa hoá của Toyota nói riêng và đóng góp cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói chung. 
 
Điều này cũng là minh chứng rõ nét cho nguyên lý "Tôn trọng mạng lưới đối tác và các nhà cung cấp bằng cách thử thách họ và giúp họ cải tiến" trong 14 phương thức hoạt động của Toyota toàn cầu.
 
Đột phá tạo nền tảng lâu dài
 
Năm 2020, Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ giữa Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp - Bộ Công thương chính thức được khởi động. Chương trình này được duy trì thường niên cho đến nay. 
 
Vào tháng 7/2023, Toyota Việt Nam và Cục Công Nghiệp - Bộ Công Thương đã ký kết Biên bản ghi nhớ Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô nhằm nâng cao năng lực và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà lắp ráp ô tô giai đoạn 2023 - 2024. 
 
Điều này thể hiện nỗ lực của Toyota Việt Nam trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hỗ trợ các nhà cung cấp Việt, cam kết đồng hành cùng sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. 
 
Sau 3 năm triển khai, dự án đã đạt nhiều kết quả đáng kể như tổ chức được các khóa đào tạo về nâng cao hiệu quả công việc cho hơn 60 nhà cung cấp mới; tổ chức các chuyến đi đến nhà cung cấp của Toyota và các buổi tọa đàm nhằm chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc phát triển nhà cung cấp; hỗ trợ thành công 2 nhà cung cấp đạt tiêu chuẩn 5S mức 3 và từng bước hỗ trợ họ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Toyota và Cục công nghiệp - Bộ Công thương ký kết hợp tác triển khai dự án hỗ trợ nhà cung cấp giai đoạn 2023 - 2024

Trải qua 3 năm liên tiếp triển khai, các nhà cung cấp được Toyota hỗ trợ đã ghi nhận kết quả khả quan như: giảm diện tích nhà máy và tồn kho, tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động… Bên cạnh đó, Toyota đã tuyển dụng được 1 nhà cung cấp và lựa chọn thêm 7 nhà cung cấp tiềm năng, nâng tổng số sản phẩm nội địa hóa đạt gần 1.000 sản phẩm các loại. Bước sang năm thứ 4, chương trình cũng đã có sự nâng cấp đáng kể, nhằm tạo cơ hội tiếp cận cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam. 
 
Cụ thể, ngoài các doanh nghiệp được lựa chọn chính thức, năm nay chương trình sẽ lựa chọn thêm một số doanh nghiệp với vai trò quan sát viên và được tham gia vào các lớp đào tạo cũng như quan sát quá trình tư vấn của các chuyên gia Toyota, qua đó nâng cao hiệu quả hỗ trợ khi được lựa chọn là doanh nghiệp nhận hỗ trợ chính thức trong năm tiếp theo.
 
Đặc biệt, trong dự án mới, Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp cũng triển khai mở rộng chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp thuần Việt. Theo đó, các nhà cung cấp đã được hỗ trợ trước đó sẽ đóng vai trò là doanh nghiệp nòng cốt, hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia của Toyota để tiếp tục triển khai và nhân rộng những kiến thức đã được Toyota đào tạo để lan tỏa sự hỗ trợ tích cực tới các doanh nghiệp mới.
 
Bên cạnh hợp tác với Bộ Công thương, Toyota Việt Nam cũng triển khai một dự án hoàn toàn mớicùng Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong năm 2023 - 2024, nhằm nâng cao năng lực và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà lắp ráp ô tô. 
 
Hai hoạt động chính trong dự án này là sàng lọc các doanh nghiệp sản xuất và lập danh sách nhà cung cấp tiềm năng về phụ tùng, linh kiện ô tô để kết nối với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam,đồng thời, chương trình hỗ trợ cải tiến hoạt động cho một số nhà cung cấp trong nước cũng được triển khai nhằm cải thiện quy trình sản xuất.

Toyota Việt Nam và Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ tháng 7/2023

Theo ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Toyota Việt Nam là công ty đầu chuỗi đầu tiên hợp tác với Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam để hỗ trợ tư vấn trực tiếp cho doanh nghiệp trong nước, hướng tới nâng cao năng lực, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp đó với các nhà lắp ráp ô tô.

Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô bao gồm 5 hoạt động chính:
- Sàng lọc các doanh nghiệp sản xuất và lập danh sách nhà cung cấp tiềm năng về phụ tùng, linh kiện ô tô để kết nối với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
- Tổ chức các chuyến thăm thực tế tại nhà máy Toyota Việt Nam và nhà cung cấp nội địa của Toyota.
- Hỗ trợ tham gia đào tạo theo một số chương trình phát triển nhà cung cấp Việt Nam.
- Thực hiện chương trình hỗ trợ tư vấn cải tiến có chiều sâu bằng cách cử chuyên gia tới làm việc cụ thể và định kỳ tại doanh nghiệp, qua đó giúp nâng cao hiệu quả hoạt động cải tiến. 
- Mở rộng chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp thuần Việt. 

Văn Quý