Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới, ngay từ khi bắt đầu thực hiện năm 2011, Thành ủy, UBND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã chỉ đạo triển khai đồng bộ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
Trong đó có việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi hình thức sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với tiêu thụ trên cơ sở khai thác các lợi thế sẵn có, tạo sức bật cho phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát huy lợi thế của từng địa phương đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân các xã trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột.
Xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột là một ví dụ điển hình. Sau khi được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào tháng 5/2022, chính quyền và nhân dân xã tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng kế hoạch để nâng cao các tiêu chí.
Trong quá trình giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, xã Hòa Thuận luôn xác định tiêu chí sản xuất là quan trọng nhất. Chính vì vậy, xã đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác; xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Đến nay, trên 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã được cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo trồng thu hoạch. Bên cạnh đó, xã đã phát triển được các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, tiêu biểu như: Mô hình liên kết trồng cà chua Nova trong nhà màng theo chuỗi giá trị; mô hình liên kết chăn nuôi gà theo chuỗi giá trị; mô hình liên kết chăn nuôi heo theo chuỗi giá trị; mô hình liên kết sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, UTZ…
Theo UBND TP Buôn Ma Thuột, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được thành phố xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đã đạt được một số kết quả tích cực.
Rõ nét nhất là thành phố đã tập trung đổi mới, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, theo chuỗi giá trị. Đồng thời, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy lợi thế của từng địa phương, phù hợp với thị trường, tăng cường kiểm soát và phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích...
Thành phố cũng vận dụng linh hoạt, sáng tạo triển khai thành công Chương trình OCOP góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của nhân dân, chuyển sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế trên địa bàn tỉnh.