Xe dù, bến cóc khắp các ngả đường
Nhiều năm nay, tại khu vực trung tâm TP.HCM như quận 1, 3, 5, 10 đều hình thành những điểm đón, trả khách của một số tuyến vận tải hoạt động 24/24, gây mất trật tự an toàn giao thông, bức xúc trong nhân dân.
Điển hình ở phường Nguyễn Thái Bình (quận 1), một số tuyến đường như Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Giấm bị các nhà xe chạy tuyến TP.HCM-Vũng Tàu trưng dụng lập điểm đón, trả khách trái quy định.
Tiếp đến là quận 10 với tâm điểm là các con đường Lê Hồng Phong (nối quận 5 và 10), đường Vĩnh Viễn, Sư Vạn Hạnh, An Dương Vương… Tại đây, dù có bảng cấm xe trên 25 chỗ ngồi vào khung giờ từ 6-22 giờ nhưng lúc nào cũng có hàng chục xe giường nằm vô tư đi lại.
Ở phía Đông TP, tình trạng xe khách ‘né bến’ núp bóng trong các bãi giữ xe trên đường Đinh Bộ Lĩnh đã trở nên quá quen thuộc. Nhiều năm trước, hai khu đất số 391 và 397 đường Đinh Bộ Lĩnh đối diện bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) chỉ đăng ký kinh doanh dịch vụ trông giữ xe, nhưng sau đó 'biến tướng' thành điểm đón, trả khách như một bến xe thu nhỏ.
Khảo sát vào chiều 25/8, hoạt động xe khách ra vào bãi xe đối diện Bến xe Miền Đông vẫn diễn ra bình thường. Bên trong bãi có hơn 10 xe khách loại 50 chỗ đang đậu san sát nhau. Mỗi lần xe khách ra vào ‘bến xe thu nhỏ’ này gây nên tình trạng lộn xộn và hỗn loạn giao thông trước khu vực cổng bến xe miền Đông.
Cũng tại Bình Thạnh, khu vực đường Điện Biên Phủ (đoạn gần Khu Du lịch Văn Thánh) gần đây được ví như ‘thủ phủ’ của xe dù, bến cóc chạy các tuyến Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng… Ghi nhận, chỉ một đoạn ngắn khoảng hơn 500m trên đường Điện Biên Phủ đã có đến hơn 10 hãng xe đặt văn phòng giao dịch tại đây. Ô tô khách các hãng thản nhiên dừng trước biển cấm đậu để đón, bắt khách.
Tương tự, trên quốc lộ 13, đoạn từ chân cầu Bình Triệu (tiếp giáp Phạm Văn Đồng) ra đến ngã tư Bình Phước; Đoạn quốc lộ 1 (từ ngã tư Bình Phước) và xa lộ Hà Nội (từ khu du lịch Suối Tiên) hướng về bến xe miền Đông mới mọc lên hàng loạt "bến cóc" đón khách trên đường.
Tuyến đường Trường Chinh, quốc lộ 1 đoạn gần cầu vượt An Sương (quận 12) cũng là điểm của xe dù bến cóc các tuyến đi Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum... hoạt động bát nháo.
Bất với lực nạn xe dù, bến cóc…nên cấm xe khách vào nội thành?
Theo Sở GTVT TP, thành phố đang quản lý gần 8,5 triệu phương tiện (chưa kể phương tiện các tỉnh khác lưu thông vào TP), số lượng phương tiện hàng năm tăng bình quân trên 8% đã gây áp lực lớn cho cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, trong khi đó tốc độ đáp ứng về hạ tầng hàng năm rất hạn chế (khoảng 2%/năm).
Những năm qua, Sở đã thực hiện nhiều giải pháp về tái tổ chức giao thông, tổ chức lại luồng tuyến, hạn chế các phương tiện lưu thông theo thời gian để giảm ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô TP như hạn chế xe tải nặng lưu thông vào ban ngày và xe tải nhẹ lưu thông vào các khung giờ cao điểm; hạn chế phương tiện có kích thước lớn (xe khách) lưu thông vào một số tuyến đường nhỏ không đáp ứng nhu cầu; hạn chế tình trạng đón trả khách tràn lan gây ùn ứ giao thông cục bộ và mất mỹ quan đô thị.
Điển hình như: Cấm xe khách trên 25 chỗ trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 22 giờ trên đường như Lê Hồng Phong – Quận 10, Trần Nhân Tôn – Quận 10, Vĩnh Viễn – Quận 10,…; cấm xe khách lưu thông trên các tuyến đường trên 30 chỗ lưu thông trên đường Nguyễn Trãi – Quận 5…).
Tuy nhiên, một lãnh đạo Sở GTVT TP nhìn nhận việc quản lý loại phương tiện xe khách hiện nay còn nhiều bất cập như: tình trạng xe khách liên tỉnh từ các tỉnh, thành lưu thông vào khu vực nội đô nhưng không vào các bến xe của TP mà lưu thông đến các điểm đón, trả khách (tại các điểm bán vé, cây xăng, bãi xe…), đồng thời các xe chuyển đổi hình thức vận chuyển qua dạng hợp đồng gây khó khăn trong quá trình điều tiết giao thông đối với loại hình vận tải này.
Thống kê của Sở GTVT, địa bàn TP hiện tồn tại 107 điểm tổ chức hoạt động đón, trả khách trước trụ sở hoặc trong khuôn viên trụ sở, bãi xe,… có khả năng trở thành các điểm đón khách trong khu vực trung tâm thành phố diễn biến ngày càng phức tạp thu hút lượng xe chạy tuyến cố định lưu thông sai quy định vào khu vực trung tâm TP.
Mới đây Sở cũng đã "điểm tên" các tuyến đường và một số cửa hàng xăng dầu thường xuyên diễn ra tình trạng xe đón, trả khách sai quy định. Trong đó, có nhắc tới cây xăng 47 (quốc lộ 13, TP Thủ Đức) và cây xăng số 490 Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh).
Sở đánh giá tình trạng xe vi phạm, tổ chức "bến cóc xe dù" ở một số khu vực, đặc biệt đoạn từ bến xe cũ đến ngã tư Bình Phước vẫn còn tồn tại, dẫn tới việc khách ít đến bến xe Miền Đông mới.
Để chấn chỉnh giao thông lộn xộn nội đô, tạo dựng môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh giữa các doanh nghiệp về lâu dài, Sở GTVT TP đã xây dựng 2 phương án hạn chế xe khách đi vào khu vực trung tâm để lấy ý kiến rộng rãi các sở ngành, đơn vị, hiệp hội và doanh nghiệp... trước khi trình UBND TP xem xét, thông qua.
Phương án 1, giai đoạn 1 từ năm 2022-2025 sẽ hạn chế xe khách giường nằm (các xe du lịch được cấp phù hiệu riêng khi TP ban hành) đi vào khu vực nội đô theo hành lang của quyết định 23/2019. Thời gian hạn chế từ 6h-22h hằng ngày.
Ở giai đoạn 2 từ năm 2025-2030 sẽ hạn chế xe khách trên 30 chỗ (trừ xe buýt, xe phục vụ đám tang, xe công vụ, các xe du lịch được cấp phù hiệu riêng khi TP ban hành) vào khu vực nội đô từ 6h-22h hằng ngày.
Với phương án 2, ở giai đoạn 1 từ năm 2022-2025 sẽ hạn chế xe khách giường nằm (các xe du lịch được cấp phù hiệu riêng khi TP ban hành) với thời gian từ 6h-22h hằng ngày.