Chiều ngày 12/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Phát biểu trực tuyến tại Hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, một trong những ưu tiên hàng đầu trong Chương trình Chuyển đổi số năm 2023 tại TP.HCM là thực hiện thành công chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Cụ thể, Thành phố đã thực hiện thay thế các trang dịch vụ công trực tuyến, phần mềm một cửa điện tử của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn trước đây bằng một nền tảng Hệ thống giải quyết TTHC thống nhất của Thành phố, liên thông thông suốt với Cổng Dịch vụ công và cơ sở dữ liệu (CSDL) TTHC Quốc gia.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đây là một thách thức rất lớn, do đặc thù TP.HCM đã ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính từ rất lâu (năm 2006). Vì vậy, việc hợp nhất, thay thế một hệ thống thông tin có trên 40 hệ thống thành phần, 10 nghìn cán bộ công chức và khoảng 1 triệu tài khoản người dân đang sử dụng trong thời gian ngắn là việc rất khó, đòi hỏi sự quyết tâm, chỉ đạo thống nhất các cấp lãnh đạo, sự đồng tình của cán bộ công chức, người dân, sự hướng dẫn và hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chuyên môn của Bộ TT&TT và Văn phòng Chính phủ.
Đồng thời, với sự hỗ trợ của Bộ Công an, Thành phố đã kết nối thành công, thông suốt Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung Thành phố (HCM LGSP) với Hệ thống định danh và xác thực điện tử (VNeID), cơ sở dữ liệu Quốc gia về Dân cư.
Theo ông Phan Văn Mãi, trước sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả từ các bộ, ngành Trung ương, TP.HCM đã thực hiện thành công đưa vào vận hành nền tảng Hệ thống thông tin Giải quyết TTHC trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa.
Thành phố cũng triển khai nghiêm các hướng dẫn của Bộ TT&TT trong thực hiện bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin: Toàn bộ hệ thống tại Trung tâm dữ liệu, máy tính của các cơ quan Nhà nước đều được triển khai đồng bộ giải pháp bảo mật và thực hiện giám sát an toàn an ninh thông tin liên tục 24/7. Đồng thời, thực hiện kết nối với Hệ thống hỗ trợ, giám sát điều hành An toàn, an ninh mạng quốc gia (Gov SOC) của Bộ TT&TT.
Về việc thực hiện tái cấu trúc quy trình giải quyết TTHC, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, việc cắt giảm các bước trung gian, cá nhân hóa trách nhiệm xử lý của từng bước đem lại hiệu quả tích cực trong quá trình thụ lý hồ sơ; việc rút ngắn thời gian giải quyết mang lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Chẳng hạn, trong 198 quy trình nội bộ đã được tái cấu trúc, Thành phố thực hiện cắt giảm từ 1 đến 2 bước trung gian trong quá trình giải quyết hồ sơ nhằm giảm bớt quy trình xử lý hồ sơ nội bộ, cũng đồng thời thực hiện cắt giảm được 720 giờ làm việc (tương đương 90 ngày làm việc).
Về rà soát danh mục TTHC đáp ứng tiêu chí cung cấp dịch vụ công toàn trình và một phần, Thành phố đã hoàn thành rà soát 80% tổng số TTHC các cấp và phê duyệt danh mục 600 dịch vụ công đáp ứng tiêu chí toàn trình và một phần. Trong quý 3/2023, Thành phố sẽ tiếp tục mở đợt cao điểm để tập trung hoàn thành rà soát việc đáp ứng tiêu chí cung cấp dịch vụ công toàn trình và một phần đối với 20% TTHC còn lại, đồng thời hoàn thành việc tái cấu trúc tất cả các quy trình nội bộ, quy trình điện tử 100% TTHC có phát sinh hồ sơ.
Tổng số TTHC các cấp trên địa bàn Thành phố khoảng 1.900, trong đó có khoảng 450 TTHC không phát sinh hồ sơ trong 3 năm liên tiếp ở các hình thức.
Theo người đứng đầu UBND TP.HCM, trong 6 tháng cuối năm, Thành phố sẽ tiếp tục nâng cấp, bổ sung chức năng, tối ưu trải nghiệm người dùng theo các tiêu chí đánh giá của Liên Hợp Quốc, tiếp tục kết nối liên thông giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC với các hệ thống thông tin chuyên ngành, giúp cho hệ thống ngày càng tiện dụng hơn, phục vụ người dân, cán bộ công chức tốt hơn.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện rà soát, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đẩy mạnh đầu tư số hóa nhằm cắt giảm giấy tờ thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý cho người dân, công khai minh bạch tình trạng xử lý hồ sơ, gắn kết quả đánh giá hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả cải cách hành chính, thi đua của các cấp chính quyền Thành phố.
Ông Phan Văn Mãi chia sẻ, kinh nghiệm của Thành phố là triển khai nhanh, quyết liệt, tổng thể, đồng bộ và kỷ luật trong tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch và phương án đã đề ra, phối hợp tốt với các cơ quan chuyên môn thuộc các bộ, ngành. Bên cạnh công tác triển khai, Thành phố liên tục tổ chức các đoàn kiểm tra thực hiện giám sát, lắng nghe ý kiến góp ý của người dân, cán bộ công chức để kịp thời khắc phục các hạn chế tồn tại về kỹ thuật, kỹ năng người sử dụng để từng bước nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân. Thành phố chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các mô hình điểm, điển hình làm cơ sở đúc kết kinh nghiệm để lan tỏa, nhân rộng các mô hình điểm thành công.
UBND TP.HCM tin tưởng với quyết tâm của Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số, cùng với sự hỗ trợ của Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT, Bộ Công an và các bộ, ngành Trung ương, Thành phố sẽ sớm đạt được mục tiêu đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, tái sử dụng kết quả giải quyết TTHC, khai thác dữ liệu nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.