UBND TP đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn TP HCM nhằm mục tiêu để mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu, với chi phí hợp lý do các tổ chức được cấp phép cung ứng.
Theo đó, phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính để nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng của mọi người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới sáng tạo trong thiết kế và phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính; thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, khuyến khích đổi mới sáng tạo; hoàn thiện cơ sở hạ tầng tài chính phù hợp, tạo thuận lợi và an toàn cho các giao dịch, đảm bảo thông tin thông suốt giữa các bên tham gia.
Ngoài ra, phát triển hệ thống các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững, hướng tới mục tiêu phục vụ người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ với các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng, linh hoạt và phù hợp; nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân và doanh nghiệp cũng như xây dựng cơ chế bảo vệ người tiêu dùng.
Báo cáo Ngân hàng Nhà nước về chiến lược tài chính toàn diện quốc gia năm 2022, UBND TP.HCM cho biết việc thực hiện “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, TP.HCM đã đạt được nhiều chỉ tiêu đề ra.
Theo đó, số người từ 15 tuổi trở lên ở TP.HCM có tài khoản tại ngân hàng cuối năm 2020 là 9.393.702 tài khoản (đã làm sạch dữ liệu theo căn cước công dân), trong khi dân số TP.HCM đến cuối 2020 theo số liệu của Tổng Cục thống kê là 9.227.600 người.
Về chỉ tiêu tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính (chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng, đại lý ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân; ngoại trừ điểm cung ứng dịch vụ tài chính của ngân hàng chính sách xã hội), đến cuối năm 2022, trên địa bàn của 58 xã tại 5 huyện ngoại thành của TP.HCM là 132 điểm.
Về chỉ tiêu người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng, đến cuối năm 2022, tổng vốn huy động trên địa bàn TP.HCM đạt 3.287.833 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm dân cư chiếm tỷ trọng 37,9% tổng vốn huy động trên địa bàn.
Số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn đạt tốc độ tăng 20% - 25% hàng năm. Đến nay, tại TP.HCM, số lượng giao dịch thanh toán qua internet của doanh nghiệp tăng 22,8% so với năm trước. Số lượng giao dịch thanh toán qua Internet của cá nhân tăng 40,27% so với năm trước, số lượng giao dịch thanh toán qua Mobile của cá nhân tăng 96,3% so với năm trước.
Riêng chỉ tiêu dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn 7% trên tổng dư nợ tín dụng tại địa bàn, UBND TP.HCM cho biết đến đến năm 2025 có thể đạt được, vì đến nay, Chương trình cho vay nông nghiệp nông thôn theo chỉ đạo của Chính phủ đạt 221.562 tỷ chiếm 6,87 % so với tổng dư nợ trên địa bàn, với số lượng khách hàng đạt khoảng 2,22 triệu khách hàng.
Về việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết, thời gian qua đã khuyến khích công chức các đơn vị thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt, tăng cường sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại.
UBND TP.HCM đã thực hiện thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước và có nguồn gốc ngân sách nhà nước bằng phương thức không dùng tiền mặt cho người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và người cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Trong năm 2022, Kho bạc Nhà nước TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh việc mở thẻ chi tiêu công đến các đơn vị sử dụng ngân sách. Theo đó, đã vận động đơn vị giao dịch mở được 533 thẻ tín dụng phục vụ chi tiêu công (tính đến ngày 10/3/2023). Thanh toán cá nhân qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước đạt tỷ lệ 100% (không bao gồm quân số của các đơn vị an ninh - quốc phòng)…
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã triển khai thành công “phần mềm quản lý trực tuyến các nguồn thu và kết nối với các Ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để thực hiện thu học phí không dùng tiền mặt. Đến nay đã có 1.178 trường triển khai thực hiện thu các khoản phí, học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngành y tế đến đầu tháng 10/2022, có hơn 3.294 cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM lắp đặt máy POS (tăng 70.32% so với cuối năm 2021), với khoảng 4.420 máy POS (tăng 63,83 % so với cuối năm 2021). Các cơ sở y tế công lập đều đã triển khai thanh toán dịch vụ khám chữa bệnh không dùng tiền mặt bằng các hình thức: thanh toán qua QR code, máy POS, chuyển tiền qua tài khoản…
“Ngân hàng Nhà nước cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với một số vấn đề mô hình ngân hàng đại lý, cho vay ngang hàng, cho vay bằng hình thức điện tử trên cơ sở dữ liệu công dân nhằm hỗ trợ người dân ở vùng nông thôn tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Có chính sách khuyến khích ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ cho vay thấu chi đối với các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội trên cơ sở mức đóng bảo hiểm xã hội hoặc mức lương hưu đang hưởng, một số đối tượng ở khu vực nông thôn ít có cơ hội tiếp xúc với các dịch vụ tài chính”, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị.