UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ GTVT về tình hình triển khai hai dự án đường cao tốc vành đai 4 TP.HCM và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Hai dự án này được triển khai xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Theo UBND TP.HCM, quy hoạch tuyến vành đai 4 dài 199km, có điểm đầu tại đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, điểm cuối tuyến nối trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước TP.HCM. Toàn bộ dự án đi qua 5 địa phương gồm TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Vào tháng 9/2021, Thủ tướng đã có văn bản giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án thuộc tuyến đường này.
Trong đó, TP.HCM được giao làm cơ quan có thẩm quyền triển khai đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn) chiều dài 17km. Ở giai đoạn 1, dự án làm 4 làn xe, đường song hành hai bên tại một số vị trí đi qua khu dân cư và giải phóng mặt bằng một lần rộng 74,5m theo quy mô hoàn chỉnh.
Sau khi rà soát hiện trạng, Sở GTVT TP tham mưu cơ bản thống nhất trùng hướng tuyến quy hoạch, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 17.791,6 tỷ đồng (hướng tuyến tại vị trí tiếp giáp tỉnh Bình Dương tại cầu Phú Thuận vượt sông Sài Gòn và tiếp giáp tỉnh Long An tại cầu kênh Thầy Cai).
Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng nghiên cứu bổ sung các phương án tuyến mới để giảm khối lượng và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, giảm chi phí đầu tư dự án. Trong đó, phương án khả thi nhất là nắn chỉnh hướng tuyến đoạn dài 14,1 km về phía Nam từ 0 - 1.300m tránh đường hiện hữu, đoạn 2,5 km còn lại trùng quy hoạch. Tuyến này cắt ngang qua khu quy hoạch Khu công nghiệp Tây Bắc giai đoạn 2 được quy hoạch từ năm 2007 đến nay chưa xây dựng.
Theo Sở GTVT TP.HCM, việc chọn phương án này do hướng tuyến thẳng nhất, con đường ngắn nhất. Chi phí đầu tư khoảng 13.631 tỷ đồng, thấp nhất so với các phương án còn lại; đặc biệt là giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định của người dân.
Cụ thể, so về chi phí đầu tư, phương án này sẽ tiết kiệm gần 4.160 tỷ đồng, đồng thời chỉ di dời 481 căn nhà, công trình, trong khi 2 phương án còn lại phải di dời lần lượt 1.150 trường hợp và 486 trường hợp.
Để tổ chức thực hiện dự án, UBND TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT làm cơ quan tổ chức điều phối triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả và đúng quy định.
UBND TP cũng kiến nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp các địa phương rà soát, điều chỉnh hướng tuyến trên địa bàn của mỗi địa phương (nếu cần), trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương để làm cơ sở cho địa phương tổ chức lập, trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi...
Nắn cao tốc TP.HCM - Mộc Bài tránh ảnh hưởng hoạt động quốc phòng
Theo quy hoạch, cao tốc TP HCM - Mộc Bài có điểm đầu giao giữa tỉnh lộ 15 với Vành đai 3 (huyện Củ Chi, TP HCM); điểm cuối kết nối quốc lộ 22 ở huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh). Toàn tuyến dài khoảng 50 km, trong đó đoạn qua TP.HCM dài gần 24 km, còn lại thuộc địa phận Tây Ninh.
Hiện dự án đang được Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Tuy nhiên, theo nghiên cứu hướng tuyến thì dự án cao tốc sẽ phải thu hồi một phần lớn diện tích đất quốc phòng tại địa bàn huyện Củ Chi (TP.HCM) và huyện Bến Cầu (Tây Ninh).
Mới đây, Bộ Quốc phòng cũng đã có góp ý hướng cao tốc đi qua đất quốc phòng trên địa bàn TP.HCM và Tây Ninh. Bộ Quốc phòng đề nghị TP.HCM phối hợp, nghiên cứu điều chỉnh hướng tuyến của dự án để đảm bảo không ảnh hưởng đến đất quốc phòng, doanh trại đóng quân, công trình quốc phòng, kho tàng.
Cả TP.HCM và tỉnh Tây Ninh đều thống nhất ủng hộ phương án điều chỉnh hướng tuyển nhằm tránh các vị trí đất quốc phòng.
Hiện nay, UBND TP kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương điều chỉnh cục bộ hướng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và làm căn cứ hoàn chỉnh, trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư dự án.
TP.HCM sẽ cập nhật phương án điều chỉnh cục bộ hướng tuyến vào đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060.