Chiều 3/11, trả lời báo chí tại cuộc họp báo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng đầu năm 2022; nhiệm vụ, giải pháp tháng 11/2022, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, qua công tác kiểm tra, xử lý và theo dõi tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn, thời gian vừa qua có việc thiếu nguồn xăng, dẫn đến một số cửa hàng không có nguồn xăng để bán.
Tính đến 3/11, có 65/550 cửa hàng không đủ xăng dầu, trong đó, 2 cửa hàng hết cả xăng và dầu.
Đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM khẳng định, không có tình trạng găm hàng xăng dầu tại địa phương. Cơ quan quản lý nhà nước đã kiểm tra cụ thể, đo bồn và thấy thực tế không còn xăng dầu trong bồn. Tình hình chung là các cây xăng có đặt hàng, chờ xác nhận của đầu mối cung xăng dầu. Ngoài ra, có một số trường hợp thiếu công nợ nên đơn vị cung ứng không cấp hàng.
"3 ngày gần đây, số lượng các cửa hàng bán lẻ xăng dầu bị thiếu hụt nguồn hàng có giảm, ngày 1/11 là 111 cửa hàng thiếu xăng, ngày 2/11 có 87 cửa hàng, ngày 3/11 có 65 cửa hàng. Trong ngày hôm qua và hôm nay, thành phố có 24 cửa hàng đã nhập được xăng và bán cho người tiêu dùng ổn định", ông Đạt thông tin.
Cũng theo cơ quan quản lý thị trường, tình trạng tạm hết xăng dầu rải rác trên các quận, huyện. Tuy nhiên, tại các quận trung tâm thì tình hình đảm bảo xăng dầu bán lẻ cho người tiêu dùng tốt hơn so với các địa phương vùng ven. Dẫu vậy, không có địa bàn nào bị "trắng" không có cây xăng phục vụ, không bị cạn kiệt nguồn xăng dầu, gây ra xáo trộn quá lớn đối với người dân.
Cục phó Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, hệ thống kinh doanh xăng dầu là hệ thống mở rộng mạng lưới trên cả nước chứ không riêng tại một tỉnh/thành nào. Đối với những khó khăn trong hệ thống cung ứng xăng dầu, Cục đã yêu cầu các đội quản lý thị trường nắm chắc địa bàn, 3 lần/ngày có các báo cáo vào các khung giờ 8h -11h -15h, cập nhật thường xuyên tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn thành phố.
Đáng chú ý, lãnh đạo Cục quản lý thị trường TP.HCM thừa nhận, kinh doanh xăng dầu nhập lậu đang có trong thực tế, nhưng, cần có thêm thời gian và nhiều đơn vị mới xác định được tác động, ảnh hưởng của thực trạng này đến thị trường ở mức độ nào.
"Cần nghiên cứu, điều tra của các cơ quan chức năng, đặc biệt là của cơ quan công an mới có thể đánh giá khách quan thực trạng nhập lậu xăng dầu. Đây là vấn đề rất lớn", đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM nói.
Hiện, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đang phối hợp các lực lượng chức năng gồm Thanh tra Sở Công Thương, Thanh tra Sở KHCN thành lập đoàn kiểm tra xăng dầu liên ngành trong năm 2022. Vừa qua, đoàn thực hiện kiểm tra 12 doanh nghiệp, lấy đột xuất 89 mẫu xăng dầu các loại để giám định, đánh giá chất lượng.
Qua kiểm tra, có 88 mẫu đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; 1 mẫu chưa đảm bảo, tuy nhiên, mẫu này không có dấu hiệu xăng dầu bị pha trộn hay làm giả nghiêm trọng mà chỉ do quá trình bảo quản, vận chuyển không cẩn thận dẫn đến chỉ tiêu không đảm bảo. Lô hàng này đã bị nhà chức trách phạt hơn 1 tỷ đồng.