Trước buổi làm việc, UBND TP.HCM đã có những bước chuẩn bị dự thảo, kiến nghị các đề xuất với Đoàn công tác của Chính phủ.
Cụ thể, Sở TN&MT đã gửi UBND TP các nội dung kiến nghị phục vụ buổi làm việc của Thủ tướng với lãnh đạo TP. Trọng tâm các đề xuất tập trung vào các dự án trọng điểm, tạo đột phá cho sự phát triển của TP.HCM. Ưu tiên là việc triển khai dự án Vành đai 3 đúng mục tiêu đề ra.
Theo Sở TN&MT, tính đến thời điểm hiện tại, nguồn VLXD cơ bản đã đáp ứng và sẵn sàng phục vụ khởi công dự án đường Vành đai 3 trong tháng 6/2023.
Tuy nhiên, để dự án đảm bảo triển khai đúng tiến độ và không bị gián đoạn trong quá trình thi công, Sở này đề xuất UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT và các địa phương (Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh và Đồng Tháp) hỗ trợ TP và các tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương và Long An) phối hợp chia sẻ, cung cấp nguồn vật liệu phục vụ cho dự án.
Bên cạnh đó, TP đang chuẩn bị triển khai các dự án trọng điểm, như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đường Vành đai 4, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, các tuyến metro... với phạm vi và quy mô giải phóng mặt bằng lớn.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên, Sở TN&MT cũng đề xuất UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TP tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án nhóm A tương tự như cơ chế thực hiện dự án Vành đai 3, cụ thể:
Được tổ chức lập, phê duyệt, hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) giải phóng mặt bằng… để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng được phê duyệt: tổ chức rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện bảo đảm đủ cơ sở, căn cứ thực hiện các công việc khác liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Về dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1, Sở TN&MT đề xuất UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận sử dụng quỹ đất thanh toán Hợp đồng BT (TP đã đề xuất 4 khu đất) để thanh toán cho Nhà đầu tư, phù hợp với quy hoạch của TP theo đúng quy định hiện hành.
Sở TN&MT cũng đề xuất UBND TP nhóm kiến nghị về tháo gỡ vướng mắc cho một số dự án bất động sản.
Cụ thể: đối với dự án đầu tư nhà ở xã hội có 6 nội dung; đối với dự án xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ có 5 nội dung; đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có 19 nội dung.
Trong đó, riêng lĩnh vực đất đai có 7 nội dung chủ yếu xoay quanh vấn đề về: Phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa và pháp lý về quyền sử dụng của khu đất thực hiện dự án.
Theo đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ đầu tư dự án bất động sản chuyển mục đích sử dụng đất từ đất có nguồn gốc của doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa được tiếp tục thực hiện hoàn thành dự án, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai theo đúng giá thị trường để thu nộp ngân sách Nhà nước.
Nghị quyết 54 mới cần trao quyền nhiều hơn
Song song với các đề xuất cụ thể, TP.HCM cho biết đang kỳ vọng Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 mới, giúp TP phát triển vượt bậc.
Theo các chuyên gia, nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 phải tiếp cận theo hướng trao quyền nhiều hơn và kiểm soát ít hơn, giúp TP phát huy được vai trò đầu tàu cả nước. Đi kèm đó, là gắn trách nhiệm cao hơn với lãnh đạo TP.HCM.
Ngoài ra, nghị quyết mới cũng phải bao trùm khái niệm “TP.HCM vì cả nước”. Tiếp cận theo hướng này sẽ tạo sự lan tỏa và phát triển cho vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Đi liền với các cơ chế thí điểm, cần nhanh chóng ban hành cơ chế “khuyến khích trong dám nghĩ, dám làm”, mới nâng cao được tính năng động sáng tạo trong thí điểm.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, việc thí điểm các cơ chế đột phá, vượt trội là để khai phóng hết tiềm năng, dư địa, lợi thế, giúp TP.HCM phát triển nhanh, bền vững.
Ông Mãi cũng cho biết, Trung ương đã xác định TP.HCM tiếp tục là cực tăng trưởng, đầu tàu của cả nước, là địa phương có năng lực hội nhập và cạnh tranh khu vực, quốc tế. Từ ý này, trên cơ sở thực tiễn, TP đề xuất các nội dung đáp ứng tiêu chí đột phá, vượt trội.
Cụ thể, nghị quyết mới với 40 nội dung chính sách, chia thành 4 nhóm cốt lõi. Thứ nhất, tiếp tục thực hiện một số cơ chế trong Nghị quyết 54 hiện hành. Thứ hai, những cơ chế đặc thù đã có mà TP.HCM đang cùng 8 địa phương khác thực hiện. Thứ ba, những nội dung, cơ chế, chính sách dự kiến đưa vào sửa đổi các luật (đã có trong dự thảo), TP.HCM xin thí điểm trước. Thứ tư, những vấn đề do TP chủ động đề xuất, do các chuyên gia và cơ quan Trung ương gợi ý giúp cho TP.HCM.