Ngày 4/9, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký báo cáo gửi Quốc hội về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Kinh tế TP.HCM liên lục tăng trưởng cao
Báo cáo nêu rõ, sau 5 thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, kinh tế TP.HCM liên lục tăng trưởng cao, ngoại trừ các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19.
Cụ thể, tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011-2015. Kinh tế TP tăng trưởng chậm lại ở mức 1,39% trong năm 2020 và suy giảm - 6,78% trong năm 2021 do tác động của dịch Covid-19 những tháng đầu năm 2022 đã phục hồi với mức tăng trưởng khi bình quân đạt 3,82%.
Theo đánh giá của TP.HCM, với việc thực hiện các quy định tại Nghị quyết 54, tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan Trung ương thẩm định. Từ đó, giúp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, sử dụng vốn hiệu quả và sớm đưa công trình dự án vào vận hành.
Dựa vào Nghị quyết 54, HĐND TP.HCM đã quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A với tổng mức vốn hơn 12.954 tỷ đồng từ ngân sách TP; điều chỉnh chủ trương đầu tư 1 dự án từ nhóm B lên nhóm A với tổng mức đầu tư tăng từ hơn 1.402 tỷ đồng lên thành hơn 4.849 tỷ đồng.
HĐND TP cũng đã quyết định thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa với tổng diện tích 1.843,79ha. TP.HCM cũng đã chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển.
Cụ thể, giai đoạn 2018-2021, TP.HCM đã phát hành 2.800 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương (kỳ hạn 20 năm, 30 năm) và vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài hơn 11.387 tỷ đồng. Mức dư nợ đến ngày 31/12/2021 là hơn 24.161 tỷ đồng, bằng 31,9% mức dư nợ cho phép…
Tuy nhiên, Chính phủ cũng cho biết, một số cơ chế, chính sách đặc thù triển khai chậm so với kế hoạch. Cụ thể, sau 5 năm thực hiện các nội dung trao thêm quyền quyết định tăng các khoản thuế, phí, và lệ phí, TP.HCM mới điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, giúp ngân sách TP thêm khoảng 132,6 tỷ đồng.
Việc thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thu tiền từ sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương, chi ứng vốn cho các dự án Trung ương trên địa bàn… đều chưa thực hiện được.
Thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa công - tư
Ngoài ra, có một số cơ chế tuy đã thực hiện nhưng hiệu quả thấp như chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều. Đến nay, UBND TP.HCM mới phê duyệt kết quả thu hút 5 chuyên gia, nhà khoa học và 5 người có tài năng đặc biệt.
“Tuy mới đạt được kết quả bước đầu, nhưng TP cho rằng chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt có ý nghĩa quan trọng, vừa khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”, vừa tận dụng được tri thức, kinh nghiệm. Vì vậy, TP.HCM kiến nghị tiếp tục duy trì trong thời gian tới", báo cáo nêu.
Ngoài ra, HĐND TP đã ban hành nghị quyết về quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Từ năm 2018, TP.HCM hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa là 0,6 lần (tương ứng mức chi trả thu nhập bình quân bằng 1,6 lần tiền lương ngạch bậc, chức vụ theo quy định); năm 2019 là 1,2 lần; năm 2020, là 1,8 lần.
Trong các năm 2019, 2020 và 2021, căn cứ khả năng cân đối ngân sách và trước diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19, TP.HCM có điều chỉnh tăng giảm hệ số chi thu nhập tăng thêm.
Tổng số kinh phí chi thu nhập tăng thêm thực tế của TP năm 2018 là 2.816 tỷ đồng; năm 2019 là 7.637 tỷ đồng; năm 2020 là 4.265 tỷ đồng; năm 2021 là 6.811 tỷ đồng.
Chính sách chi thu nhập tăng thêm đã góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, thu hẹp khoảng cách về tiền lương giữa khu vực công với khu vực tư nhân.
Vì vậy, TP.HCM kiến nghị cần tiếp tục áp dụng chính sách này và TP sẽ bổ sung một số giải pháp đánh giá, phân loại công chức, viên chức hàng quý, hàng năm, đảm bảo thực hiện khách quan, công khai, minh bạch.
Cạnh đó, Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội cho phép TP.HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 đến hết ngày 31/12/2023; đồng thời, đưa nội dung này vào nghị quyết của kỳ họp thứ 4.
Báo cáo cũng nêu rõ, sau khi đánh giá tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 16 ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 và kết quả thực hiện Nghị quyết số 54, Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị cho phép TP thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để đáp ứng yêu cầu phát triển của TP trong thời gian tới.
Tại Nghị quyết số 54, Quốc hội cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách trên 4 lĩnh vực: quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP quản lý. |