Thực hiện 4 trụ cột
Sáng 15/9, Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2023 với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không” chính thức khai mạc.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, thành phố cùng nhiều đô thị khác trên thế giới đã chứng kiến những tác động của biến đổi khí hậu, cùng với những bất cập cần phải giải quyết.
Theo đó, mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống không còn là lựa chọn tối ưu. Do vậy, TP.HCM đã chuyển hướng, kiến tạo một hành trình mới, hành trình tăng trưởng xanh với tầm nhìn cho tương lai bền vững.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên thông tin, TP.HCM đang khẩn trương hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xây dựng thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại nghĩa tình, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, du khách.
Khung chiến lược xác định người dân là trung tâm của chuyển đổi số, thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế nhằm thực hiện 4 trụ cột. Đó là phát triển nguồn lực xanh, xây dựng hạ tầng xanh, phát triển hành vi xanh, xác định ngành và lĩnh vực tiên phong.
Ông khẳng định, sau diễn đàn, TP sẽ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện khung chiến lược và triển khai khung hành động với nhiệm vụ, mốc thời gian cụ thể.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đang triển khai các giải pháp thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển, tạo môi trường và cơ hội thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay trong hành trình tăng trưởng xanh, hướng tới giảm phát thải ròng bằng không.
Không chuyển hướng, doanh nghiệp sẽ tụt hậu
Còn theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, TP.HCM chọn chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không” cho diễn đàn kinh tế lần này là rất thiết thực và ý nghĩa, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững trên thế giới.
Phó Thủ tướng cho rằng, diễn đàn quy tụ được các chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước sẽ mang lại những nhận thức mới, những giải pháp hay, những bài học kinh nghiệm quý giúp TP.HCM trong việc triển khai hiệu quả chủ trương, chiến lược và chính sách của Đảng, Chính phủ về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Ông thông tin, Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành với mục tiêu giảm phát thải, xanh hóa các lĩnh vực kinh tế và phát triển có tính bao trùm. Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn cũng đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả các chủ trương lớn về phát triển bền vững, thì bên cạnh quyết tâm chính trị phải cần sự thấu hiểu, ủng hộ và chung tay của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Cũng theo Phó Thủ tướng, TP.HCM là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, nhưng cũng là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất (57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% cả nước).
Về cơ bản, nền kinh tế của thành phố chủ yếu vẫn phát triển theo hướng kinh tế tuyến tính và chưa được xanh hóa; công tác bảo vệ môi trường có nhiều tiến bộ song còn nhiều vấn đề đặt ra, nhiều việc phải làm tích cực hơn.
Phó Thủ tướng cho rằng, về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn thì Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng mới bắt đầu triển khai, chưa có nhiều kinh nghiệm. Song, diễn đàn đã quy tụ được các chuyên gia, nhà quản lý, các CEO hàng đầu thế giới sẽ là cơ hội rất tốt để các địa phương chia sẻ và học hỏi các bài học kinh nghiệm, các chính sách, mô hình tốt.
Hơn nữa, chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới nhưng cũng đòi hỏi nguồn lực lớn, bao gồm:
Về tài chính, để các doanh nghiệp có thể đầu tư vào các công nghệ xanh hiệu quả, giảm thiểu chi phí sản xuất và xử lý chất thải.
Về nhân lực, cả về kiến thức và kỹ năng là yếu tố then chốt để các doanh nghiệp có thể thực hiện được các ý tưởng và giải pháp về kinh tế xanh.
Về công nghệ, là yếu tố quyết định để các doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng sức cạnh tranh, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Do đó, Phó Thủ tướng cho rằng diễn đàn chỉ là sự khởi động, những hành động diễn ra trong thực tế tiếp theo mới quyết định sự thành công. Trong đó, hành động đòi hỏi một sự tương tác, phối hợp ở nhiều mức độ, cấp độ từ Trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến người dân.
“Với đặc thù về đô thị, quy mô dân số, tính năng động của nền kinh tế, TP.HCM sẽ là nơi thử nghiệm rất tốt các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Đối với các doanh nghiệp, đây là cơ hội tốt nhất để nhận thức lại mô hình kinh doanh truyền thống, tiếp cận với các cơ hội kinh doanh mới.
“Sự chậm trễ chuyển đổi sẽ khiến doanh nghiệp tụt hậu xa hơn trong việc đáp ứng nhu cầu khác nhau về tăng trưởng xanh đang ngày càng phổ biến trên thế giới và ngay tại thị trường nội địa”, Phó Thủ tướng nói.