Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM đề xuất lắp mái che dọc vỉa hè đường Lê Lợi, quận 1 để tạo bóng mát, chống nắng, che mưa, hình thành không gian đi bộ. Đây là giải pháp cải tạo cảnh quan đường Lê Lợi sau khi tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hoàn trả mặt bằng.
Theo Sở Quy hoạch- Kiến trúc, tuyến đường Lê Lợi là trục đường thương mại dịch vụ, nơi dừng chân của du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tuyến đường này còn là cầu nối giữa các công trình trọng điểm của thành phố như chợ Bến Thành, Nhà hát Thành phố, phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Hiện yếu tố cảnh quan và các tiện ích cho hoạt động mua sắm, đi bộ trên tuyến đường này vẫn chưa đầy đủ. Từ đó, đơn vị này đề xuất giải pháp trên với kinh phí từ 20-30 tỷ đồng.
Giải pháp tốt
Kiến trúc sư (KTS) Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch hội đồng Kiến trúc sư TP.HCM cho rằng, đề xuất lắp mái che chống nắng, che mưa trên vỉa hè đường Lê Lợi là giải pháp tốt và nên làm.
"TP.HCM có thời tiết mưa nắng thất thường. Bình thường, người ta đi bộ được nhưng đến lúc mưa hoặc nắng gắt gây bức xạ nhiều. Do đó, làm mái che là để khu phố hoạt động 24/24, vừa tạo bóng mát, khi mưa người dân có chỗ trú", ông Khương Văn Mười nhận xét.
Theo vị chuyên gia, ở một số nước, chẳng hạn như Singapore cũng đã làm những mái che nắng ở vỉa hè giúp người dân và du khách đi lại dễ chịu hơn, tạo điều kiện cho người dân đi bộ nhiều hơn. Thậm chí, nhiều nhà sát đường, không có vỉa hè họ còn đục tường rỗng từ 1-2 tấc (10-20 cm) để tạo lối đi cho người đi bộ.
"Khu trung tâm nên làm mái che trên vỉa hè cho nhiều tuyến đường, đương nhiên không phải che hết cả vỉa hè mà chỉ một phần", vị chuyên gia đề xuất thêm.
Ưu tiên trả lại mảng xanh
Đồng tình về lắp mái che trên vỉa hè đường Lê Lợi nhưng KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng cần phải có quy hoạch bài bản vì không chỉ tuyến đường Lê Lợi mà nhiều tuyến đường trung tâm cũng nên lắp mái che nắng, mưa cho người đi bộ.
"Cần thêm nhiều tuyến đường có mái che đưa ra ngoài hoặc lùi vào trong nhưng phải có quy hoạch, đồng bộ mới đẹp. Riêng với đường Lê Lợi, nếu đã nghiên cứu, đề xuất thì phải làm cho đàng hoàng cả hai bên để tránh mất cân đối, thiếu sự hài hòa", ông Sơn nhận xét.
Theo ông Sơn, trước đây, đường Lê Lợi là một đại lộ xanh. Vỉa hè hai bên có hệ thống cây xanh rất mát mẻ. Khi làm tuyến metro, nhiều cây xanh bị chặt bỏ. Đến nay, khi hoàn thành không gian ngầm metro thì phía chủ đầu tư bàn giao lại mặt bằng. Để chỉnh trang tuyến đường Lê Lợi, vị chuyên gia cho rằng TP cần ưu tiên trả lại mảng xanh cho tuyến đường.
"Cần rút kinh nghiệm việc chỉnh trang đường Nguyễn Huệ. Đây là tuyến đường đi bộ nhưng bị bê tông hóa, không thân thiện với môi trường. Vào trưa nắng không ai có thể đi bộ được. Do đó, tuyến đường Lê Lợi phải trồng cây xanh", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Đường Lê Lợi có chiều dài gần 800m, bắt đầu từ Nhà hát Thành phố đến chợ Bến Thành. Hiện UBND TP.HCM giao cho các đơn vị tư vấn nghiên cứu đề xuất tái lập cảnh quan để vẫn giữ được hồn cốt của tuyến phố xưa, và phù hợp với tuyến Metro trong tương lai. Trước đó, UBND quận 1 đã gửi đề xuất với UBND TP về việc nghiên cứu phương án đầu tư, xây dựng tuyến đường Lê Lợi thành phố đi bộ, nhằm tạo điểm nhấn, thu hút khách du lịch. |