Chiều 7/7, kỳ họp thứ sáu, HĐND TP.HCM bước vào phiên thảo luận công tác giám sát Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, Nghị quyết 54 về cơ chế và chính sách đặc thù là cơ hội rất tốt để giúp TP.HCM phát triển vượt bậc.
Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện còn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp hơn, hiệu quả đạt được qua gần 5 năm chưa như mong muốn. Trong đó, ngoài nguyên nhân khách quan thì còn nguyên nhân chủ quan là chưa làm quyết liệt.
“UBND TP.HCM đang tổ chức tổng kết Nghị quyết 54, làm tiền đề và cơ sở đề xuất Nghị quyết mới thay thế (tạm gọi là Nghị quyết 54 mới), để có tính liên tục, phù hợp với thực tiễn mới”, ông Mãi cho biết.
Chủ tịch TP.HCM thông tin thêm, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban biên tập, tiến hành tổng kết và thực hiện dự thảo đề xuất Nghị quyết 54 mới. Đến giờ này, về cơ bản đã hoàn tất bản dự thảo và trong giữa tháng 7 sẽ tổ chức 5 nhóm lấy ý kiến các chuyên gia, sở, ngành, lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ… để Ban Thường vụ Thành ủy thông qua.
Đến tháng 8, sẽ báo cáo và xin ý kiến Bộ Chính trị, sau đó sẽ trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm 2022.
Cũng theo ông Mãi, trong Nghị quyết 54 mới, nội dung cốt lõi là vấn đề phân cấp mạnh mẽ cho TP.HCM. Việc này nhằm tránh khi triển khai các nội dung Nghị quyết phải trình ra xin ý kiến các cơ quan ngoài Trung ương. Trong Nghị quyết 54 mới, Chủ tịch TP.HCM cho hay, có một chương về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức.
Trước đó, tại phiên thảo luận về Nghị quyết 54, nhiều đại biểu cho biết, qua gần 5 năm thực hiện, vẫn còn nhiều tồn động, vướng mắc. Theo đó, các đại biểu yêu cầu trong tổng kết Nghị quyết 54, cần rà soát các vướng mắc để khi soạn thảo Nghị quyết 54 mới thì không còn những tồn đọng như trên.
Trước ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Phan Văn Mãi tiếp thu và cho biết sẽ cân nhắc trong quá trình biên soạn dự thảo Nghị quyết 54 mới, xin ý kiến trước khi trình ra Quốc hội.
Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2017 và thời gian thí điểm là 5 năm. Đến tháng 11 này, thời gian thí điểm sẽ kết thúc, TP.HCM đã và đang tiến hành tổng kết, soạn thảo đề xuất Nghị quyết mới thay thế nhằm có tính liên tục và giúp thành phố phát triển nhanh, bền vững.