Sáng 9/12, kỳ họp thứ 8, HĐND TP.HCM khóa X làm việc về nội dung giám sát chuyên đề sau hai năm xây dựng chính quyền đô thị.
Vấn đề được các đại biểu quan tâm, thảo luận là biên chế của thành phố và áp lực quá tải công việc.
Áp lực công việc và chảy máu chất xám
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, qua giám sát tại các địa phương, có thể thấy cán bộ đang bị quá tải công việc.
“Cán bộ nhiều nơi làm việc đến 7h-8h tối, thứ 7 và Chủ nhật cũng không được nghỉ khiến họ không tròn trách nhiệm với gia đình”, đại biểu Dung nói.
Qua đó, bà Dung đề nghị UBND TP đề xuất với Trung ương cho thành phố nghị quyết đặc thù, làm sao phù hợp với nhu cầu biên chế và khối lượng công việc thực tế.
Theo số liệu điều tra dân số năm 2019, TP.HCM có mật độ dân số 4.292 người/km2, cao nhất cả nước, dẫn đến áp lực công việc lên cán bộ, công chức tăng mạnh.
Cụ thể, giai đoạn 2017 - 2021, bình quân 1 công chức thực hiện từ 580 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính/năm và tăng dần theo từng năm. Chưa kể, họ phải thực hiện công việc khác.
Theo UBND TP, với khối lượng công việc như trên, nếu số lượng cán bộ, công chức tiếp tục giảm, áp lực đối với mỗi công chức tăng sẽ dẫn tới tình trạng chảy máu chất xám tại các sở, ngành, quận, huyện.
Giải pháp công nghệ và tăng thu nhập
Trao đổi với VietNamNet bên lề kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, có hai vấn đề cơ bản để giải quyết mâu thuẫn “vừa giảm biên chế theo quy định, vừa giải quyết vấn đề quá tải công việc” là ứng dụng công nghệ và tăng thu nhập.
Ông Hoan nói thêm, việc xin thêm biên chế khó được chấp nhận, Do đó, TP đã đề xuất với Trung ương là giữ nguyên biên chế và cơ bản được thống nhất.
Để giảm áp lực công việc, ông Hoan cho biết, trên tổng biên chế hiện nay, thành phố sẽ bố trí, luân chuyển số lượng cán bộ theo nhu cầu công việc và quy mô dân số. Địa phương nào đông dân sẽ nhiều biên chế hơn.
Song song đó, thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, xây dựng chính quyền điện tử. Việc này làm cho áp lực công việc giảm vì phần lớn hồ sơ sẽ được giải quyết trực tuyến.
Tuy nhiên, một vấn đề mà thành phố đang gặp phải là việc quá tải công việc thời gian qua dẫn đến việc “chảy máu chất xám” từ công sang tư.
Để ngăn chặn tình trạng này, TP đã vận dụng Nghị quyết 54 (được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện) để giải quyết thu nhập tăng thêm cho cán bộ.
Theo đó, ngày 7/12, UBND TP.HCM trình HĐND tờ trình tăng hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 lần (mức tối đa) lương ngạch bậc, chức vụ trong năm 2023.
Theo ông Hoan, Nghị quyết 54/2017 (NQ 54) của Quốc hội cho phép TP.HCM thực hiện điều này nhưng trong 5 năm qua, cán bộ, công chức, viên chức ở TP.HCM chưa được hưởng mức cao nhất.
Theo Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi, HĐND TP.HCM đã bàn và cố gắng cân đối nguồn thu, bố trí ngân sách, thực hiện sớm hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm để công chức yên tâm làm việc.