Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho hay, TP.HCM đã ứng dụng chữ ký số trong việc phát hành văn bản điện tử, triển khai liên thông kết nối hơn 1.140 đơn vị trên địa bàn thành phố.
Các đơn vị ứng dụng bao gồm sở, ban, ngành, Thành phố Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn, các Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc.
Tổng cộng hơn 10 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận qua Nền tảng chia sẻ dữ liệu dùng chung của thành phố.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay, TP.HCM đang phối hợp với Trung tâm chứng thực điện tử Quốc gia (Bộ TT&TT) triển khai giải pháp tích hợp chữ ký số từ xa, trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố và sẽ vận hành chính thức trong tuần đầu của tháng 12/2022.
“Ứng dụng chữ ký số trong quá trình chuyển đổi số là hết sức quan trọng. Do đó, TP.HCM sẽ tăng cường đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số, đặc biệt là công tác số hóa, để hình thành kho dữ liệu dùng chung của thành phố nhằm phục vụ công tác tác nghiệp, chỉ đạo điều hành của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn”, Phó Giám đốc Sở TT&TT phát biểu.
Khi ứng dụng chữ ký số, đặc biệt các ban ngành có thể ký từ xa, sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ các thủ tục hành chính trực tuyến.
Mặc dù đã ứng dụng trên toàn bộ các địa phương và nhiều đơn vị tại TP.HCM, song chữ ký số vẫn chưa được người dân sử dụng rộng rãi.
Bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ TT&TT), cho biết trên toàn quốc có 100% doanh nghiệp đã sử dụng chữ ký số, chủ yếu trong các dịch vụ như kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… trong khi đó thì tỷ lệ người dân sử dụng chữ ký số còn rất khiêm tốn.
Tính đến tháng 9/2022, trên toàn quốc có hơn 1,8 triệu chứng thư số đang hoạt động (tăng 17,63 % so với cùng kỳ). Trong đó có gần 1,6 triệu chứng thư số của doanh nghiệp, tổ chức và 334.133 chứng thư số cá nhân đang hoạt động.
Theo bà Hương, người dân chưa được tiếp cận và hiểu hết được lợi ích, cách thức sử dụng chữ ký số hoặc biết nhưng vẫn còn e ngại khi sử dụng.
Chữ ký số được triển khai, áp dụng đúng sẽ có giá trị pháp lý như chữ ký tay và con dấu (tổ chức, doanh nghiệp).
Chữ ký số đóng vai trò quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong việc xác định tính pháp lý khi tham gia các hoạt động, giao dịch trên môi trường điện tử.
Ở tầm vĩ mô, chữ ký số là yếu tố quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước, là điều kiện không thể thiếu để hướng tới chuyển đổi số, chính phủ số trong tương lai.