Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo khí tượng thủy văn - Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, trong tháng 3, thời tiết khu vực Nam Bộ hầu hết không mưa hoặc có mưa nhỏ không đáng kể trong khoảng từ 23-31/3.
“Trong tháng hầu hết không mưa nên độ hụt mưa 100% phổ biến trên toàn bộ khu vực. Nắng nóng trên diện rộng và nắng nóng gay gắt xuất hiện trong nhiều ngày ở miền Đông và ven biên giới Tây Nam với nhiệt độ cao nhất 35-38 và trên 38 độ.
Khu vực còn lại của miền Tây cũng có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất 35-37 độ trong một vài ngày”, ông Quyết thông tin.
Theo các chuyên gia khí tượng, lượng mưa thiếu hụt dẫn đến khả năng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt, đời sống và cây trồng; xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng ảnh hưởng lớn đến dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Nắng nóng triền miên và trời không mưa, độ ẩm trong không khí giảm thấp gây nhiều khó khăn cho đời sống của người dân, cũng như các nguy cơ cao về cháy nổ, cháy rừng,...
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ nhận định, trong tháng 4, thời tiết TP.HCM nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung, nắng nóng và nắng nóng gay gắt diện rộng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt trên khu vực miền Đông và ven biên giới Tây Nam. Nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, một vài nơi 38-39 và trên 39 độ. Ở các khu vực khác của miền Tây, nắng nóng diện rộng cũng xảy ra nhiều đợt và dài ngày với nhiệt độ cao nhất 35-37 độ, có nơi 37-38 độ. Đây cũng là thời kỳ cao điểm mùa nắng nóng năm 2024.
Ngoài ra, ông Lê Đình Quyết cho biết, các sản phẩm dự báo mô hình của các trung tâm khí hậu thế giới hầu hết cho kết quả lượng mưa khu vực này ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm.
Nửa đầu tháng 4 hầu hết không mưa; nửa cuối tháng có mưa rào và giông một vài nơi trong một vài ngày do tác động của đối lưu nhiệt địa phương, nhưng lượng mưa hầu hết không lớn.
Đài khí tượng lưu ý, cần đề phòng lốc, sét, gió giật mạnh và mưa đá trong những cơn mưa giông có khả năng xuất hiện trong tuần cuối tháng này.
Trước đó, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng có nhận định, Nam Bộ khả năng bắt đầu mùa mưa muộn, từ giữa tháng 5. Riêng tháng 6, gió mùa Tây Nam xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm, khiến mưa gia tăng.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, từ nay đến hết mùa hạn mặn năm 2024, ở Đồng bằng sông Cửu Long còn chịu ảnh hưởng của 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao (thời kỳ 8-14/4, 23-28/4, 6-12/5), trong đó đợt xâm nhập cao nhất là 8-14/4.
Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn nhấn mạnh, năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm được dự báo sẽ xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường.