Liên quan đến dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM vừa trình UBND Thành phố một số kiến nghị trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Đối với lĩnh vực đất đai, Sở TN&MT Thành phố kiến nghị 11 nội dung, gồm: Cho phép TP.HCM ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn; tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập với các dự án nhóm B;
Cho phép các tổ chức sử dụng đất được thế chấp, cho thuê và chuyển nhượng “quyền thuê đất” đóng tiền hàng năm không có nguồn gốc đất công; phân cấp việc xác định giá đất để bồi thường cho UBND cấp huyện thực hiện;
Cho phép Trung tâm phát triển quỹ đất cho thuê ngắn hạn những khu đất đang quản lý và phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu này cho đơn vị; TP.HCM được gia hạn sử dụng đất đối với một số trường hợp cụ thể;
Cho phép TP.HCM thí điểm bổ sung hình thức “sử dụng đất khác không phải là đất ở đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại” vào các quy định của Luật Nhà ở, Luật Đầu tư và Luật số 3/2022/QH15…
Một trong những nội dung kiến nghị thí điểm chú ý là cho phép TP.HCM áp dụng bồi thường bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng đối với loại đất thu hồi.
Nếu không có đất cùng mục đích sử dụng thì bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi theo tỷ lệ phần trăm. Giao UBND TP.HCM tổng kết thực tiễn và quyết định tỷ lệ phần trăm này sao cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Đối với các quỹ đất thanh toán cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BT) ký trước ngày 1/1/2021, đề xuất cho TP.HCM thí điểm thu hồi đất để thanh toán cho các dự án do Thủ tướng hoặc HĐND cấp tỉnh chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất.
Ngoài ra, kiến nghị cho phép TP.HCM được áp dụng “căn cứ để giao đất, cho thuê đất là văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá, đấu thầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” để giao thuê với các quỹ đất được chấp thuận chủ trương thanh toán cho các dự án BT trước ngày 1/1/2021.
Thời gian giao, thuê các khu đất để thanh toán cho các dự án BT chỉ thực hiện sau khi dự án BT được nghiệm thu và kiểm toán. Giá đất được tính tại thời điểm nghiệm thu và kiểm toán.
Về lĩnh vực môi trường, Sở TN&MT trình UBND TP.HCM để kiến nghị cho Thành phố thí điểm 5 cơ chế, chính sách:
Cho phép UBND các cấp sử dụng thiết bị công nghệ hỗ trợ để giám sát tình hình an ninh trật tự và làm căn cứ xử lý các hành vi vi phạm về an ninh trật tự, vệ sinh nơi công cộng;
Được ngắt điện, ngắt nước công đoạn sản xuất trong cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính, thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả về môi trường;
Phân cấp cho TP.HCM thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư đã phân cấp cho HĐND TP.HCM và một số dự án cụ thể có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;
Đối với chất thải rắn sinh hoạt, cho phép TP.HCM chủ động đặt hàng cung ứng dịch vụ xử lý rác với các nhà đầu tư hiện hữu để giải quyết lượng rác thải phát sinh hoặc vượt công suất của các nhà máy. Với các dự án xử lý rác mới, cho phép TP.HCM thí điểm cơ chế đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công xử lý chất thải.
Nghị quyết mới về cơ chế đặc thù của TP.HCM cần có tính đột phá
Thành phố Thủ Đức chỉ là '3 quận gom lại' nếu thiếu cơ chế đặc thù
Theo Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi, nếu không có cơ chế đặc thù thì TP Thủ Đức không thể vận hành, vẫn chỉ là thành phố to trên cơ sở gom 3 quận lại.
Anh Phương - Hồ Văn