Nhằm thúc đẩy ngành CNHT phát triển, thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả. Thành phố đã có nghị quyết về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực CNHT giai đoạn 2018-2020 và đang xây dựng nghị quyết mới giai đoạn 2021 - 2025 để tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT.
Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, qua hơn hai năm triển khai các chương trình kích cầu (từ 2018 đến nay), đã có 1.500 lượt doanh nghiệp, đơn vị tiếp cận các chính sách trong lĩnh vực CNHT.
Đây là tiền đề quan trọng cho các doanh nghiệp ngành CNHT trên địa bàn thành phố đổi mới công nghệ, thiết bị để sản xuất sản phẩm đạt yêu cầu cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, góp phần đưa sản phẩm CNHT TP. Hồ Chí Minh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
TP. Hồ Chí Minh đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp CNHT tiếp cận với chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong bối cảnh bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp của Mỹ và châu Âu hoạt động tại Việt Nam bị gián đoạn nguồn cung ứng từ các nước khác nên đã tìm đến các doanh nghiệp cung cấp trong nước. Đây là cơ hội rất lớn dành cho các doanh nghiệp CNHT Việt Nam tiếp cận, thể hiện mình, trong đó có các doanh nghiệp CNHT của TP. Hồ Chí Minh.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT (thuộc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh) cho biết, UBND Thành phố đã ban hành đồng loạt các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: Hỗ trợ lãi vay để đầu tư nhà xưởng, công nghệ sản xuất mới trong thời gian 7 năm với mức vốn vay tối đa là 200 tỷ đồng/dự án.
Cùng với đó, chương trình kết nối cung cầu sản phẩm giữa doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh với doanh nghiệp đầu-cuối, các công ty FDI, nhà đầu tư nước ngoài,... cũng thường xuyên được Trung tâm phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện.
Nhiều doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng tìm kiếm, xây dựng chuỗi cung ứng nội địa và cam kết hỗ trợ nhà cung cấp nội địa thực hiện sản xuất tinh gọn, cải tiến quy trình kiểm soát,… với mục tiêu giúp các doanh nghiệp CNHT đạt chuẩn cung ứng toàn cầu.
Đơn cử như Tập đoàn Techtronic Industries (TTI) đang triển khai dự án nhà máy vốn đầu tư 650 triệu USD ở Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu tìm khoảng 200 nhà sản xuất Việt Nam trong 4 lĩnh vực để có thể hỗ trợ việc tham gia vào chuỗi cung ứng của mình.
Sở Công Thương đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu. Từ đầu năm 2020 đến nay, đã kết nối, hỗ trợ khoảng 60 doanh nghiệp ngành CNHT trong nước tại TP. Hồ Chí Minh và các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu,... sản xuất sản phẩm CNHT cung ứng cho các DN FDI.
Cũng theo bà Oanh, hiện nay, tại TPHCM nhiều chương trình, dự án đang được đẩy mạnh triển khai nhằm giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp CNHT. Cụ thể như, Dự án phát triển nhà cung cấp trong nước do nhóm Ngân hàng Thế giới tài trợ; “Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ nhằm nâng cao năng lực sản xuất và cung ứng của các doanh nghiệp CNHT tại TP. Hồ Chí Minh để có thể tham gia chuỗi cung ứng, tạo ra những doanh nghiệp CNHT có thương hiệu của TP. Hồ Chí Minh trong tương lai.
Đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, Thành phố vẫn tiếp tục duy trì chính sách kích cầu và trong năm 2021 sẽ có những đổi mới để chính sách này tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư, tiếp cận tham gia những chuỗi cung ứng toàn cầu một cách lâu dài, bền vững.
Hoàng Hiệp