Sở GTVT TP.HCM vừa ban hành kế hoạch phối hợp triển khai các giải pháp xử lý 24 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông trong năm 2023.
Theo Sở GTVT TP.HCM, toàn thành phố hiện nay có 24 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông. Trong năm 2023, ngành giao thông sẽ phấn đấu xóa được ít nhất 1 điểm là khu vực cầu Xáng trên đường Trần Văn Giàu (huyện Bình Chánh).
Trong 23 điểm còn lại có 2 điểm chuyển biến tốt gồm giao lộ Quốc lộ 50 - Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) và giao lộ Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị (quận Gò Vấp).
13 điểm có chuyển biến nhưng còn phức tạp như: Khu vực Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1); vòng xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình); ngã tư Tây Hòa, nút giao thông Mỹ Thủy và nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức); giao lộ Vĩnh Lộc- Nguyễn Thị Tú- Quách Điêu, giao lộ Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng (huyện Bình Chánh); giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh (quận 7);
Đường Dương Bá Trạc - khu vực cầu Kênh Xáng (quận 8); ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân và Tân Phú); đường Nguyễn Văn Bứa (đoạn từ cầu Ông Lớn đến Ngã ba Giồng, thuộc huyện Hóc Môn); giao lộ Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh); giao lộ Nguyễn Thái Sơn - Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp).
8 điểm không chuyển biến gồm: Đường Nguyễn Thị Định (từ vòng xoay Mỹ Thủy đến cảng Cát Lái, thuộc TP Thủ Đức); đường Nguyễn Tất Thành (quận 4); đường Trường Chinh (đoạn từ Âu Cơ đến đường Tân Kỳ Tân Quý); giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám và giao lộ Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện (quận Tân Bình); giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ Bạch Đằng đến ngã 5 Đài Liệt sỹ) và Ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh).
Để giải quyết tình trạng ùn tắc, Sở GTVT TP đề ra kế hoạch giải pháp trọng tâm như đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, sớm hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác các dự án như hầm chui tại nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, nút giao An Phú, đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa.
Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục để sớm khởi công xây dựng các dự án trọng điểm như mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), xây dựng cầu vượt thép tại Ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân và Tân Phú).
Nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu bằng cách cải tạo kích thước hình học, mở rộng tầm nhìn, tăng cường giá long môn, sơn đường, biển báo, lắp đặt camera quan sát giao thông và đo tốc độ tự động....
Ngành giao thông cũng sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai loạt giải pháp phi công trình như: Tăng cường theo dõi tình hình giao thông qua hệ thống camera giám sát và thông tin kịp thời cho lực lượng chức năng; tổng hợp cung cấp hình ảnh, video các trường hợp vi phạm theo định kỳ hằng tuần cho đơn vị có chức năng xử lý vi phạm.
Thường xuyên rà soát, nghiên cứu và điều chỉnh phân luồng giao thông hợp lý trên các tuyến đường.
Báo cáo chuyên đề về điều chỉnh tổ chức cấm dừng, đỗ xe tại khu vực trung tâm TP.HCM.
Tăng cường điều tiết giao thông trong giờ cao điểm.
Tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ như chạy ngược chiều, chạy không đúng phần đường, làn đường quy định, không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, dừng đỗ xe sai quy định.
Mạng lưới đường bộ tại TP.HCM
TP.HCM đang khai thác mạng lưới đường bộ với tổng chiều dài gần 5.000km bao gồm 5 tuyến quốc lộ, 10 tuyến đường tỉnh, 457 tuyến đường huyện, 3180 tuyến đường xã, 1286 tuyến đường đô thị, 308 tuyến đường chuyên dùng, 733 tuyến đường nông thôn.
Thành phố có 1.088 cầu đường bộ với tổng chiều dài 76km, được thiết kế với nhiều tải trọng khác nhau.
Ngoài ra, trên hệ thống đường có 56 nút giao thông khác mức (cầu vượt) chủ yếu trên các trục đường chính có mật độ giao thông lớn như Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, trục đường Cộng Hòa, đường Ba Tháng, đường Nguyễn Văn Linh, đường Võ Chí Công...
Về phương tiện đường bộ, TP.HCM quản lý gần 9 triệu phương tiện, trong đó gần 1 triệu ô tô và khoảng 8 triệu xe máy, chưa tính xe vãng lai.