Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo cổ phiếu HVG của CTCP Hùng Vương sẽ chính thức giao dịch trên Upcom vào ngày mai 13/8 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 5.400 đồng/cp.
Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã hủy niêm yết bắt buộc đối với HVG từ ngày 5/8 do HVG đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà HOSE, hoặc Ủy ban chứng khoán xét thấy cần thiết hủy niêm yết nhằm bảo vệ nhà đầu tư.
HVG đã nhiều lần chậm công bố báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý I/2020.
Tình trạng chậm công bố báo cáo tài chính của Thủy sản Hùng Vương diễn ra trong bối cảnh ông lớn Thaco của tỷ phú USD Trần Bá Dương thâu tóm thành công hơn 35% cổ phần tại doanh nghiệp thủy sản hàng đầu Việt Nam nay.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2020 (hồi tháng 2), HVG đã thông qua kế hoạch huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ với khối lượng 20 triệu cổ phiếu, đối tượng là Thaco và các bên liên quan.
Những sai lầm trong quá khứ như đầu tư dàn trải… đã khiến “vua cá tra” Dương Ngọc Minh liên tục phải trả giá. HVG đã phải thoái vốn, bán nhiều tài sản và cậy nhờ sự giúp đỡ của tỷ phú Trần Bá Dương.
Trước đó, hồi 2016, Thủy sản Minh Phú (MPC) của “vua tôm” Lê Văn Quang cũng đã rời sàn HOSE để có thể bán cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Tuy nhiên, doanh nghiệp này sau đó chưa bán ngay được cổ phiếu cho nhà đầu tư ngoại và chứng kiến hoạt động kinh doanh liên tục suy giảm.
MPC sau đó đã trở lại sàn Upcom hồi giữa tháng 10/2017 và nâng room ngoại lên 100%. Việc trở lại sàn đáp ứng tính minh bạch - một điều tối quan trọng đối với các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước.
Doanh nghiệp này sau đó đã bán 60 triệu cổ phiếu MPC (tương đương 30% vốn) cho Mitsui của Nhật.
Sau 2 năm làm ăn be bét khi rời sàn, MPC ghi nhận mức tăng khá ấn tượng trong 2017 với lợi nhuận tăng 8 lần lên hơn 640 tỷ đồng. Năm 2018, MPC đạt mục tiêu doanh thu 18.200 tỷ, lãi ròng 990 tỷ đồng; lần lượt tăng 8% và 38,6% so với thực hiện năm 2017.
Nhiều đại gia thủy sản gặp khó vì đại dịch Covid-19. |
Gần đây, Thủy sản Minh Phú chịu áp lực cạnh tranh từ doanh nghiệp nhiều nước khác, nhất là từ Ấn Độ và Indonesia và các rào cản thương mại ngày càng lớn. Đại dịch Covid-19 nhìn chung ảnh hưởng tới hầu hết các doanh nghiệp, nhưng với vị thế của doanh nghiệp tôm đầu ngành tại Việt Nam, MPC có những lợi thế nhất định trong xuất khẩu, kể cả khi dịch bệnh bùng phát.
Hồi đầu năm, MPC cũng đối mặt với một vụ kiện đến từ Mỹ, tố cáo MPC và công ty nhập khẩu tại Mỹ của tập đoàn là Mseafood Corporation đã lách thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh từ Ấn Độ, gây tổn hại tới các nhà sản xuất tôm của Mỹ và “tạo ra mối nguy cho người tiêu dùng tôm tại Mỹ”.
Hàng loạt vận đen đang đến với Thủy sản Minh Phú (MPC) khiến tham vọng tỷ USD của “vua tôm” Việt Nam vẫn còn xa vời cho dù ông lớn trong ngành thủy sản Việt đã tìm được đối đến từ Nhật với chiến lược nâng MPC lên “tầm cao mới”.
Thủy sản Hùng Vương của ông trùm cá tra một thời Dương Ngọc Minh cũng đã có những thay đổi mạnh về cơ cấu cổ đông sau khi ký hợp tác chiến lược với Thaco của tỷ phú USD Trần Bá Dương. Tuy nhiên, giấc mơ tỷ USD vẫn còn xa vời.
Trước khi hợp tác với Thaco, HVG đã công bố BCTC hợp nhất kiểm toán 2019 với khoản lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ 1.075 tỷ đồng, tăng thêm 599 tỷ đồng so với báo cáo tự lập do giá vốn tăng thêm.
Với tình hình tài chính khá bi đát, quyết định hợp tác với Thaco là một bước ngoặt. Theo cam kết, Thaco không chỉ rót vốn vào HVG, mà sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, bán hàng, quản trị và đặc biệt là hỗ trợ tái cơ cấu tình hình tài chính hiện nay.
Ngay sau thỏa thuận, Thủy sản Hùng Vương đặt kế hoạch doanh thu tăng gấp 3 lần từ 4.000 tỷ đồng lên 12.500 đồng trong năm 2020 với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…
Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn thấp hơn nhiều so với tham vọng trước đây của ông Dương Ngọc Minh. Tham vọng doanh thu tỷ USD vẫn còn xa vời.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 12/8, chỉ số VN-Index tăng nhẹ và hiện ở quanh ngưỡng 845 điểm.
Theo YSVN, thị trường có thể tiếp tục biến động hẹp hoặc điều chỉnh nhẹ quanh mức trung bình 20 phiên của các chỉ số chính trong phiên giao dịch 12/8. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy cho nên dòng tiền có thể tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Tâm lý ngắn hạn đã tiếp tục cải thiện lạc quan hơn và rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp cho nên chiến lược phù hợp ngắn hạn là nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/8, VN-Index giảm 0,12 điểm xuống 843,08 điểm; HNX-Index tăng 2,65 điểm lên 116,3 điểm. Upcom-Index tăng 0,22 điểm lên 56,52 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 5,2 ngàn tỷ đồng.
V. Hà