Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định thanh toán trực tiếp chi phí thuốc, vật tư y tế trong khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT). Điều kiện được thanh toán là thuốc, vật tư y tế mà người bệnh được kê đơn thuộc phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT; người bệnh được chẩn đoán, kê đơn, chỉ định thuốc, vật tư y tế nhưng tại thời điểm sử dụng hoạt chất thuốc, vật tư y tế không sẵn có tại cơ sở khám chữa bệnh. 

Dự thảo được xây dựng trong bối cảnh bệnh viện thiếu thuốc và vật tư y tế kéo dài, có người bệnh BHYT phải tự mua dao mổ, găng tay cho bác sĩ và xách vào phòng phẫu thuật.

Bất cập

Ngày 19/12, chia sẻ với VietNamNet, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết rất hoan nghênh dự thảo thông tư của Bộ Y tế nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. Tuy nhiên, có những nội dung bà cho rằng “không ổn”.

Thứ nhất, việc bệnh viện chỉ định cho bệnh nhân BHYT đang nằm viện mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài. Theo bà Hằng, nhiều bệnh nhân sẽ gặp khó khăn khi đang nằm viện phải tự ứng tiền ra mua thuốc/vật tư y tế rồi lại mất thời gian đi làm thủ tục gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội để thanh toán lại.

Đặc biệt là những đối tượng như người bệnh đơn thân, bệnh nhân nghèo; trường hợp bệnh nhân không tìm mua được thuốc và vật tư y tế, hoặc mua phải loại kém chất lượng, sẽ ảnh hưởng đến tính mạng và chất lượng điều trị. 

Thứ hai, việc hướng dẫn bệnh nhân ra mua tại nhà thuốc bệnh viện mặc dù thuốc và vật tư y tế tại đây đã trúng thầu. Bà Hằng cho rằng dư luận sẽ đặt câu hỏi tại sao hệ thống khoa Dược của bệnh viện này không cung ứng được thuốc và vật tư y tế mà hệ thống kinh doanh của bệnh viện lại cung ứng được.

"Tương tự, dự thảo nội dung bệnh viện hướng dẫn bệnh nhân ra công ty trúng thầu mua thì dư luận cũng đặt câu hỏi liệu có cấu kết giữa bác sĩ và công ty cung ứng hay không?”, bà Hằng thẳng thắn bày tỏ.

gang tya.jpg
Bệnh nhân mua vật tư y tế và đựng trong túi đen trước ca phẫu thuật. Ảnh: NVCC.

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP.HCM cũng cho rằng việc chỉ định cho bệnh nhân BHYT mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài là đẩy trách nhiệm cung ứng thuốc và vật tư y tế từ bệnh viện sang người bệnh, làm khó người bệnh.

Trong khi đó, đối với cơ quan Bảo hiểm xã hội, khối lượng công việc sẽ gia tăng do hồ sơ bệnh nhân nộp đề nghị thanh toán tăng lên, phải tổ chức giám định hoặc giải quyết khiếu nại khi người bệnh mua thuốc và vật tư y tế không đúng giá thầu, không đúng chủng loại…

“Không thể đẩy trách nhiệm cho bệnh nhân khi cung ứng thuốc và vật tư y tế cho người bệnh đang nằm viện trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh. Việc này có thể tạo cái nhìn méo mó của người dân về chính sách Bảo hiểm y tế, vốn là chính sách an sinh nhân văn của Nhà nước”, bà Hằng nói.

Bà Hằng cho rằng để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân BHYT, bệnh viện có thể liên hệ các bệnh viện khác có thuốc/vật tư y tế cần thiết để xin nhượng lại theo giá đã trúng thầu và cung ứng cho người bệnh BHYT. Bộ Y tế hướng dẫn thủ tục thanh toán giữa bệnh viện và cơ quan Bảo hiểm xã hội.  

Khó thực hiện chi trả

Trước thông tin về dự thảo thanh toán lại chi phí tự mua thuốc men và vật tư y tế, chị Nguyễn Thị Lan (TP.HCM) cho biết không kỳ vọng nhiều về đề xuất trên. Chị là con của người bệnh 3 lần tự mua vật tư y tế để phẫu thuật sỏi thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. 

Theo chị Lan, gia đình chị mua toàn bộ vật tư cần thiết ở một tiệm thuốc ngoài bệnh viện nhưng không được nơi này trả hoá đơn (dù chị đã yêu cầu). Có trường hợp người thân không kịp vào viện, bệnh nhân đang ốm cũng phải tự đi tìm mua. 

"Tôi là người đi làm trong môi trường công sở nên biết để thanh toán một khoản nào đó đòi hỏi rất nhiều giấy tờ, thủ tục, thời gian. Thủ tục càng khó hơn với người bệnh nghèo, ít học, người già. Do đó, dự thảo trên đến thực tế sẽ rất khác. Điều chúng tôi cần là bệnh viện đủ thuốc men, đồ dùng vật tư, không để bệnh nhân phải tự mua ngoài mà hưởng đúng quyền lợi khi tham gia Bảo hiểm y tế", chị Lan nói. 

benh-nhan-bhyt-1.jpg
Người bệnh mong nhận đúng quyền lợi khi tham gia Bảo hiểm y tế. Ảnh: GL.

Còn Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cũng cho rằng việc thực hiện chi trả tiền thuốc tự mua cho người bệnh BHYT là không dễ dàng. Cụ thể, dự thảo thông tư trên của Bộ Y tế có quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 3 nội dung như sau:

"Đơn vị cung ứng thuốc, vật tư y tế tiêu hao đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Đã trúng thầu với bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT.

- Thuốc, vật tư y tế đã được sử dụng và thanh toán cho người bệnh có thẻ BHYT tại cơ sở khám bệnh chữa bệnh nơi đơn vị cung ứng trúng thầu;

- Hợp đồng thầu cung ứng thuốc, vật tư y tế còn hiệu lực".

Theo ông Thức, để đáp ứng được các điều kiện này là rất khó vì thuốc, vật tư y tế tiêu hao tại các bệnh viện ở các hạng khác nhau sẽ có danh mục khác nhau. Bên cạnh đó, có những chuyên khoa rất ít bệnh viện có. 

Cũng theo ông Thức, không phải lúc nào các cơ sở y tế cũng chọn được đầy đủ như mong muốn thuốc, vật tư qua công tác đấu thầu, chưa kể các nguyên nhân khách quan như không có nhà thầu nào tham dự, hàng hóa bị đứt nguồn cung do thiên tai dịch bệnh, chiến tranh…

Ngay cả tại Bệnh viện Chợ Rẫy, mặc dù luôn cố gắng xây dựng kế hoạch đầy đủ để đảm bảo phục vụ cho bệnh nhân tốt nhất nhưng đôi lúc cũng còn một số mặt hàng không lựa chọn được nhà thầu. Mặc khác, sau khi trúng thầu, có mặt hàng bị gián đoạn cung cấp, hoặc hàng hóa không phù hợp với công tác điều trị, buộc phải phạt hợp đồng và dừng hợp đồng để thực hiện đấu thầu lại.

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết về giải pháp lâu dài, Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 hiệu lực từ 1/1/2024 có những thay đổi giải quyết được khó khăn thuộc tình huống trên, cho phép được chỉ định thầu trong tình huống cấp bách, nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ sở khám chữa bệnh.

Do đó, ông Thức đề nghị các Bộ, ngành Trung ương liên quan nhanh chóng ban hành Nghị định và thông tư hướng dẫn cụ thể nội dung này, để Luật đấu thầu được đi vào thực tiễn, đáp ứng cho công tác khám chữa bệnh hiện nay.

Bệnh nhân BHYT từng được thanh toán lại tiền mua thuốc bên ngoài

VietNamNet đặt câu hỏi trước đây người bệnh BHYT phải mua thuốc bên ngoài (do bệnh viện thiếu thuốc) từng được thanh toán lại, vậy tại sao lại không tiếp tục thực hiện?

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, cho biết trước đây tình huống trên được giải quyết theo điểm 7 điều 4 Quyết định 1399/QĐ-BHXH ngày 22/12/2014 của TGĐ BHXH Việt Nam, bệnh viện có trách nhiệm thanh toán ngay cho bệnh nhân và tổng hợp thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, khi nghị định 146/2018 của Chính phủ ra đời, không quy định nội dung thanh toán chi trả trực tiếp cho bệnh nhân khi phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài nên cũng ngưng việc thanh toán trực tiếp lại cho người bệnh.