LTS: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công tác đặc biệt quan trọng, mang tính sống còn để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của một đảng cầm quyền. Trong bối cảnh mới với nhiều vấn đề thực tiễn cấp bách cần phải tập trung giải quyết, để bảo đảm cho Đảng tiếp tục giữ vững và làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình, tư tưởng nhất quán của Đảng là không chỉ chú trọng xây dựng, chỉnh đốn mà còn phải gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao trách nhiệm chính trị của đảng viên.
Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết về nửa nhiệm kỳ Đại hội 13, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhìn từ trách nhiệm chính trị của đảng viên.
Xem lại bài 1: Trách nhiệm công vụ và những người phải đứng sang một bên
Tư tưởng chủ đạo, nhất quán của Đảng là lấy việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ để xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đó chính là sự kế thừa, phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ.
Thực tiễn lãnh đạo của Đảng trong từng thời kỳ trước đây và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay cho thấy, không chỉ dám nghĩ, dám làm mà cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan đơn vị còn cần dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân về những việc mình đã làm. Nói cách khác, đó chính là thực hiện “trách nhiệm chính trị” của đảng viên.
Kiện toàn cơ chế, Đảng tăng cường kỷ luật kỷ cương
Để cụ thể hóa vấn đề “trách nhiệm chính trị” của đảng viên trong quá trình thực hiện công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13, tháng 11/2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định 41 về “miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị”.
Quy định này thể hiện tinh thần kiên quyết, kịp thời trong việc xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ, không cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của BCH Trung ương khoá 13 tháng 11/2022 về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”, thêm một lần nhấn mạnh đến “trách nhiệm chính trị” của đảng viên; khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện phương châm "có vào - có ra, có lên - có xuống" trong công tác cán bộ, giữ vững kỷ luật Đảng, kỷ cương, pháp luật của Nhà nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng và chế độ.
Thực tiễn chứng minh, nhân dân chỉ thực sự yêu mến, tin tưởng và nghe theo những cán bộ, đảng viên có tư cách, đạo đức, trách nhiệm với dân, với sự nghiệp chung của đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Bất kỳ đường lối, chủ trương nào của Đảng muốn được thực hiện thành công, thì trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu”.
Trên tinh thần ấy, Đảng khuyến khích cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo. Lãnh đạo càng cao càng phải tiên phong, gương mẫu thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình. Ai sai phạm, khuyết điểm, không còn uy tín, năng lực, không còn xứng đáng, hãy tự rút lui, nhường chỗ cho người khác làm tốt hơn.
Cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước coi đây là điều cần có trong sinh hoạt chính trị và thực hành trách nhiệm nêu gương. Hay nói cách khác, đó chính là tinh thần sẵn sàng chịu trách nhiệm của cán bộ. Cán bộ lãnh đạo ở cấp càng cao thì càng phải tiên phong, gương mẫu thể hiện tinh thần “trách nhiệm chính trị”của mình trước Đảng, trước dân.
Chịu “trách nhiệm chính trị”, lãnh đạo cấp cao "xin thôi nhiệm vụ"
Nhìn lại hơn 9 thập kỷ lãnh đạo sự nghiệp Cách mạng Việt Nam, đất nước từng ghi nhận một số cán bộ cấp cao như Tổng Bí thư Trường Chinh, tháng 10/1956 từ chức chịu trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra một số sai lầm trong Cải cách ruộng đất. Bộ trưởng NN&PTNT Lê Huy Ngọ, tháng 5/2004 cũng xin từ chức vì thấy mình phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vụ án Lã Thị Kim Oanh.
Mới đây, dù không phải trực tiếp gây ra hậu quả, nhưng trong nhiệm kỳ và thuộc phạm vi, lĩnh vực mình phụ trách, chỉ đạo, hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã để xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng như vụ án Việt Á, chuyến bay giải cứu với trên 100 cán bộ các cấp bị khởi tố, bắt giam, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân và tổ chức, làm mất niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Vì vậy, việc hai Phó Thủ tướng và tiếp sau đó là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận “trách nhiệm chính trị” trước Đảng, trước dân, xin thôi làm nhiệm vụ được phân công, đã nhanh chóng được xã hội chấp nhận, xem như một việc cần phải có trong đời sống chính trị của đất nước.
Thiết nghĩ cũng không quên nhắc lại là trước đó, tháng 10/2022, ông Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt và Bùi Nhật Quang đã xin thôi ủy viên Trung ương và các chức vụ lãnh đạo liên quan. Sự kiện này cùng những chuyển biến khác trong thời gian gần đây cho thấy Quy định 41 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo khi đã bị kỷ luật, không còn đủ uy tín, năng lực đã nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Con số gần 50 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật (gồm cả 11/180 ủy viên chính thức) bị khai trừ, cách chức, cho thôi tham gia BCH Trung ương Đảng từ đầu nhiệm kỳ 13 đến nay đã chứng minh điều đó.
Thực tiễn cuộc sống luôn là nơi để kiểm nghiệm, rút ra những bài học lý luận quý báu cho việc hình thành hệ thống quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng.
Từ câu chuyện sợ sai, né tránh, lơ là trách nhiệm công vụ để giữ mình an toàn của một bộ phận cán bộ công chức, khiến bộ máy công quyền hoạt động ì ạch, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp phải “đứng sang một bên”, đến việc những cán bộ lãnh đạo cấp cao phải từ chức khi thấy mình không còn đủ uy tín, năng lực đảm đương nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, thiết nghĩ cũng cần bàn sâu hơn về sự khác nhau trong vấn đề trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo và trách nhiệm của người thừa hành, dưới một khái niệm bao trùm là trách nhiệm công vụ.
Trách nhiệm công vụ và trách nhiệm chính trị
Với cán bộ - công chức thừa hành, trách nhiệm công vụ là việc phải làm đúng pháp luật; là việc phải lựa chọn phương án tối ưu để hành động nhằm đạt kết quả công việc tốt nhất, thành tích cao nhất và được ghi nhận, tuyên dương, thăng chức. Đồng thời phải gánh chịu hậu quả pháp lý nếu không thực hiện hay thực hiện không đúng nhiệm vụ của mình.
Vì thế, dù thể hiện ở cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực, nhưng trên thực tế, khía cạnh tiêu cực thường được chú ý nhiều hơn. Điều đó lý giải vì sao tình trạng một bộ phận cán bộ công chức vi phạm đạo đức, trách nhiệm công vụ, vi phạm pháp luật, luôn gây bức xúc trong dư luận.
Khác với “trách nhiệm công vụ” (trực tiếp), “trách nhiệm chính trị” của cán bộ lãnh đạo là trách nhiệm gián tiếp, được xác lập trên sự tín nhiệm của nhân dân hoặc của những người đại diện cho nhân dân ở các cơ quan dân cử. Cán bộ lãnh đạo, về nguyên tắc, là người đại diện cho nhân dân, nhưng trên thực tế, lại không đồng nhất với nhân dân và luôn có nguy cơ vượt quá thẩm quyền đại diện. Thậm chí, vì thoái hóa biến chất, có người còn phản bội lại lợi ích của nhân dân.
Vì vậy, sự tín nhiệm của nhân dân là điều kiện quan trọng nhất đối với chế độ “trách nhiệm chính trị”. Ai không còn sự tín nhiệm của nhân dân đồng nghĩa với người ấy không còn đủ tư cách giữ cương vị người đứng đầu.
Việc một số cán bộ lãnh đạo cấp cao thời gian qua nhận “trách nhiệm chính trị” trước Đảng, trước dân, tự nguyện xin thôi giữ các chức vụ được phân công vì công tác quản lý, điều hành kém, thiếu kiểm tra giám sát, để lĩnh vực mình phụ trách xảy ra nhiều chuyện be bét, nhiều cán bộ dưới quyền vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức và cá nhân, là cách hành xử cần thiết, trên tinh thần đảng viên, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Nói cách khác, “trách nhiệm chính trị” của cán bộ lãnh đạo chính là “trách nhiệm của người đứng đầu” được đề cập trong nhiều nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà lâu nay Đảng thường vận dụng khi xem xét, đánh giá và thi hành kỷ luật cán bộ chủ chốt khi họ vi phạm kỷ luật đảng.
Ngoài trách nhiệm phải thực hiện nghiêm cương lĩnh, điều lệ Đảng, với tư cách là những chính khách, cán bộ lãnh đạo phải luôn biết cách đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri, chứ không chỉ dừng lại ở việc kiềm chế để mình không vi phạm pháp luật. Khi những chính sách, biện pháp của họ ban ra tuy không vi phạm pháp luật, chưa dẫn tới trách nhiệm pháp lý, nhưng không mang lại hiệu quả, gây tác động xấu trong xã hội thì không chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm, mà cơ quan, tổ chức cần thi hành kỷ luật họ. Cử tri cần bãi miễn các đại biểu đã bấm nút thông qua những quyết sách sai lầm, hoặc khi thấy trí tuệ của họ không còn đủ sáng suốt, không còn đủ tư cách làm người đại diện, không còn xứng để làm “công bộc” của dân nữa.
Để nhân dân thêm tin tưởng vào công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng; để chủ trương “có vào - có ra; có lên - có xuống” được thực thi một cách bình thường, cần nâng cao hơn nữa tinh thần chịu “trách nhiệm chính trị” của đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan đảng - nhà nước từ trung ương đến địa phương. Muốn nâng cao tinh thần “trách nhiệm chính trị”, cần làm cho người lãnh đạo “biết sợ” lá phiếu mà đảng viên và cử tri đã bầu cho họ. Như vậy, cần thiết phải nâng tầm giá trị của lá phiếu và giảm dần vai trò của những tổ chức trung gian.
Làm như thế chính là cách để người dân thực hiện quyền làm chủ nhà nước, đồng thời nâng cao tinh thần dân chủ trong sinh hoạt Đảng; Đất nước cũng có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo tài năng, trách nhiệm và đức độ. Chẳng những bộ máy công quyền ngày càng năng động, chuyên nghiệp hơn mà Đảng cũng ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của một đảng cầm quyền mà đất nước và nhân dân tin tưởng giao phó.
Nguyễn Vân Thiêng