Ngày 14/12, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu tỉnh để xử lý trường hợp ông Lê Văn Dũng, xây trái phép trang trại lợn với diện tích rộng hàng nghìn mét vuông ở thị xã Ninh Hòa.
Trước đó, hồi tháng 10, báo VietNamNet có bài phản ánh trang trại nuôi lợn xây trái phép trên đất rừng sản xuất nằm giáp hai xã Ninh Thượng và Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa, do ông Dũng làm chủ.
Đến tháng 11, UBND thị xã Ninh Hòa UBND thị xã Ninh Hòa có tờ trình gửi UBND tỉnh xử phạt ông Dũng 160 triệu đồng về hành vi nuôi lợn không có giấy phép môi trường. Bên cạnh đó, địa phương này yêu cầu ông Dũng dời trại lợn tới địa điểm khác để phù hợp quy hoạch phân vùng môi trường và khả năng chịu tải của môi trường.
Tuy nhiên, hôm 4/12, UBND thị xã Ninh Hòa đã ra quyết định phạt ông Lê Văn Dũng hơn 21 triệu đồng về hành vi Sử dụng đất rừng vào mục đích khác không được các cơ quan nhà nước cho phép, đồng thời buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Trước vấn đề này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu Sở TN&MT phải nghiên cứu hồ sơ đề nghị xử phạt vi phạm hành chính về thực hiện bảo vệ môi trường do UBND thị xã Ninh Hòa đề xuất.
Ngoài ra, Sở TN&MT phải nghiên cứu, có ý kiến cụ thể về các nội dung vi phạm, biện pháp khắc phục hậu quả đối với trang trại lợn này đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật liên quan. Đồng thời, không được để xảy ra tình trạng “phạt cho tồn tại”, và phải báo cáo những nội dung liên quan về UBND tỉnh trước ngày 25/12.
Liên quan vấn đề này, khi làm việc với cơ quan chức năng, ông Lê Văn Dũng thừa nhận đã mua đất của nhiều người dân địa phương. Cuối năm 2022, ông Dũng xây trang trại lợn với diện tích hơn 5.980 m2, chăn nuôi khoảng 400 con.
Theo cơ quan chức năng, ông Dũng xây trại lợn trái phép trên đất được quy hoạch trồng rừng sản xuất và chưa có giấy phép môi trường. Trại lợn có 7 khu vực chuồng nuôi, xây 3 bể xử lý chất thải song không có hệ thống chống thấm, không bạt phủ, được đắp bằng đất.
Nước thải hoạt động chăn nuôi lợn trong trang trại được xả ra 3 hồ chứa nằm phía Đông Nam trại nuôi, một hồ chứa có diện tích trung bình 850-1.000 m2, không lót vật liệu chống thấm. Còn nước thải hoạt động chăn nuôi được xả trực tiếp ra các hồ, không qua xử lý. Đối với phân lợn được thu gom và vận chuyển đi nơi khác. Bên ngoài trại lợn, có mùi hôi chất thải nhưng chưa xác định được mức độ ô nhiễm do chưa có phương tiện, thiết bị máy móc để đo.