Xác định chuyển đổi số nhằm thay đổi cách sống, phương thức làm việc, sản xuất, kinh doanh của người dân, chính quyền, doanh nghiệp, mở ra cơ hội phát triển bền vững, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện tốt công tác chuyển đổi số trên địa bàn.
Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phú Bình đã ban hành Chương trình hành động; thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình chuyển đổi số của huyện.
UBND huyện cũng ban hành các kế hoạch liên quan và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị. 100% xã, thị trấn ban hành chương trình, kế hoạch chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, huyện Phú Bình cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số và công nghệ thông tin cho thành viên các ban chỉ đạo chương trình chuyển đổi số của huyện; cán bộ, công chức các cơ quan chuyên môn; UBND các xã, thị trấn; các tổ công nghệ số cộng đồng.
Đến nay, Hệ thống quản lý văn bản và điều hành huyện Phú Bình đã được triển khai đến tất cả các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn để thực hiện giám sát, giao nhiệm vụ, xử lý công việc trên môi trường điện tử.
Tìm hiểu việc thực hiện chuyển đổi số ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Bình, chúng tôi thấy các địa phương đã quan tâm nâng cấp, cải thiện hạ tầng số. Hệ thống mạng internet được đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt và ổn định, giúp cán bộ giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả.
Cán bộ, công chức các xã, thị trấn đã được cấp hộp thư điện tử công vụ nhằm đáp ứng việc trao đổi nội dung, công việc và tài liệu qua mạng, bảo đảm tính bảo mật, an toàn.
Hoạt động điều hành, quản lý, thống kê của các xã, thị trấn đều được thực hiện bởi hệ thống phần mềm quản lý, thực hiện chữ ký số, giúp tiết kiệm thời gian, quản lý, lưu trữ văn bản chặt chẽ, khoa học hơn...
Một trong những chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số chính là nhiều người dân đã dần thay đổi về nhận thức, tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số với các hoạt động như: Giao dịch điện tử trong thanh toán các dịch vụ khám, chữa bệnh; thanh toán lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính...
Việc đầu tư cho hạ tầng số cũng luôn được huyện Phú Bình quan tâm. Theo đó, huyện đã hoàn thành Dự án triển khai hệ thống hội nghị truyền hình, giao ban trực tuyến từ HĐND-UBND huyện đến 20 xã, thị trấn trên địa bàn với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng; Dự án nâng cấp, xây dựng mạng truyền số liệu chuyên dùng cơ quan đảng, nhà nước từ cấp tỉnh đến huyện và các xã, thị trấn có tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng.
Cùng với đó, Phú Bình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân cài đặt sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Ở các xã, thị trấn, huyện chỉ đạo thành lập trên 270 tổ công nghệ số cộng đồng tại 100% xóm, tổ dân phố để hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số, xây dựng xã hội số; hướng dẫn các hộ sản xuất, kinh doanh nông sản tạo tài khoản, tham gia các sàn thương mại điện tử kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; đưa 15 sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện lên sàn thương mại điện tử. Tại 14 chợ trên địa bàn, huyện đã chỉ đạo triển khai mô hình Chợ 4.0- Chợ thanh toán không dùng tiền mặt.
Để thực hiện tốt Chương trình chuyển đổi số trên địa bàn, huyện Phú Bình sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số một cách hiệu quả, tích cực; đưa yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm của huyện; phát huy vai trò các tổ công nghệ số cộng đồng...
Theo Quỳnh Trang (Báo Thái Nguyên)