Tự tử vì stress nặng
Ông P. (hơn 50 tuổi) đã 3 lần tìm cách tự sát mặc dù lúc đó ông đang là giám đốc một đơn vị khá lớn, gia đình ổn định. Lần đầu tiên, ông uống hơn 50 viên thuốc ngủ, được đưa vào cấp cứu. Các bác sĩ tích cực hồi sức hơn 1 tháng ông mới tỉnh.
Ra viện về nhà khoảng 2 tháng, ông tiếp tục tự tử lần 2, vẫn được cấp cứu kịp thời nhưng đến lần thứ 3 thì không cứu kịp.
ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, người trực tiếp khám tâm lý cho ca này chia sẻ: Khi tìm hiểu mới biết ông chịu áp lực rất lớn từ công việc, môi trường công tác và tình trạng bệnh tật của bản thân.
Mặc dù làm giám đốc nhưng nội bộ của đơn vị hoạt động không tốt, tình trạng kinh doanh không khả quan, ông lại bị tiểu đường tuýp 2, suy thận… Tất cả các yếu tố đó đã đè nén khiến ông không còn tâm lý muốn sống. Quan trọng hơn, bệnh nhân không phối hợp để điều trị trầm cảm nên dẫn đến tình trạng không thể cứu chữa.
Theo bác sĩ Mẫn, tình trạng nam giới trưởng thành, được coi là thành đạt nhưng vẫn lâm vào trầm cảm nặng do stress đang xuất hiện ngày càng nhiều. Cách đây khoảng 1 năm, bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân N.T.A (45 tuổi) bị rơi vào trầm cảm sau khi du học ở nước ngoài về.
Bệnh nhân là một thạc sĩ chuyên ngành kinh tế, khi về nước được làm trưởng bộ phận một doanh nghiệp, mới kết hôn được 1 tháng. Nhưng áp lực trong thời điểm kinh doanh không thuận lợi, nhân viên có người gây rối khiến người đàn ông này đã có ý định tự tử, mua sẵn dây thừng để trong nhà với ý định treo cổ.
Rất may, người nhà đã phát hiện kịp thời; bệnh nhân sau đó được điều trị bằng thuốc kết hợp liệu pháp tâm lý trị liệu. Sau hơn 1 năm, anh đã trở về cuộc sống bình thường và hiện vợ chồng anh đã có con.
Mới đây nhất là một người đàn ông (40 tuổi, Tổng giám đốc một công ty xuất nhập khẩu) đã sát hại vợ cùng 2 con trong căn hộ chung cư tại TP Thủ Đức. Sau khi tấn công vợ con, người đàn ông gọi điện thoại cho ban quản lý chung cư yêu cầu gọi xe cấp cứu rồi nhảy lầu, tử vong tại chỗ.
Qua điều tra, công an xác định người đàn ông có biểu hiện không bình thường về tinh thần, có dấu hiệu trầm cảm, lo âu khoảng một tháng nay.
Biểu hiện trầm cảm ở nam giới rõ nhưng khó điều trị
Mỗi ngày, Đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân đến khám vì các nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, trong đó tỷ lệ bệnh nhân nam giới ngang ngửa với nữ giới. Còn tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM, trong 4 tháng đầu năm 2024, có hơn 6.867 người đến khám vì trầm cảm, nam giới chiếm 2.178 lượt khám.
Theo bác sĩ Mẫn, khám trầm cảm ở nam giới khó hơn nữ và khó điều trị hơn. Tính cách của người nam hay thể hiện sự mạnh mẽ, sức mạnh đàn ông nên họ cố gắng chống lại để vượt qua stress, phần lớn họ chỉ đến bệnh viện khi tình trạng stress đã diễn biến nặng, thậm chí rất nặng.
"Điều đáng lo ngại là nhiều bệnh nhân đến khám được chẩn đoán mắc trầm cảm nhưng họ vẫn không tin rằng bản thân mắc bệnh. Sau đó, dù cố gắng thuyết phục điều trị nhưng người bệnh vẫn bỏ tái khám" - bác sĩ Mẫn nói.
Theo bác sĩ Mẫn, tùy theo cơ địa, vấn đề người bệnh gặp phải và sức chịu đựng của mỗi người từ giai đoạn stress đến trầm cảm sẽ có thời gian khác nhau. Việc điều trị cần phải kết hợp dùng thuốc và tâm lý trị liệu mới mang lại hiệu quả.
"Stress là sự mất cân bằng giữa nhu cầu và mức độ thỏa mãn của con người trong cuộc sống về tình cảm, tài chính, công việc, lòng tin... Khi gặp stress, nhiều người thường ứng phó bằng các cách như chống lại, bỏ chạy, thu mình hoặc thích ứng, sống chung với stress. Nếu 4 cách này kiểm soát không tốt sẽ dẫn đến rối loạn lo âu, về lâu dài dẫn đến trầm cảm và nếu không được điều trị sẽ dẫn đến tự tử" - bác sĩ Mẫn phân tích.
Còn theo bác sĩ chuyên khoa II Vũ Kim Hoàn, Phó trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Tâm thần TPHCM, bệnh trầm cảm ở đàn ông có những dấu hiệu như cảm giác mệt mỏi, hoạt động chậm chạp, rối loạn giấc ngủ, phổ biến là ngủ quá nhiều hoặc quá ít, mất ngủ hoặc thức dậy rất sớm. Họ mất tập trung, dễ cáu giận, dễ phản ứng mạnh với những chuyện bình thường do luôn cảm thấy khó chịu và suy nghĩ tiêu cực.
Một số triệu chứng khác bao gồm thèm ăn hoặc chán ăn, thay đổi cân nặng, không còn niềm vui, có cảm giác tội lỗi hoặc trống rỗng, tránh tiếp xúc xã hội. Nam giới cũng thường gặp các triệu chứng "ẩn" như giận dữ, khó chịu, thu mình, suy nghĩ tiêu cực và lạm dụng rượu, chất kích thích.
Ba dấu hiệu của trầm cảm ở nam giới thường bị bỏ qua nhất bao gồm đau nhức cơ thể, giận dữ, hành vi bốc đồng. Trầm cảm ở nam giới sẽ thể hiện qua các triệu chứng vật lý như đau lưng, đau đầu thường xuyên, khó ngủ, rối loạn tiêu hóa hay các vấn đề sinh lý mà không thuyên giảm với trị liệu thông thường.