Sau một năm cấm túc hạn chế, thực hiện giãn cách xã hội một số nơi do bệnh dịch Covid 19 hoành hành, đến nay dịch đã được kiểm soát tốt và tạm lui. Tiết xuân đang độ đẹp, lại trùng với dịp đầu tháng Hai âm lịch, ngày thứ 7 và Chủ nhật; hôm qua theo tin các báo, đã có tới hàng vạn người đổ về các chùa Tam Chúc, Bái đính, Hương tích.
Hàng nghìn người đổ về chùa Tam Chúc. Ảnh: Zing.vn |
Nhu cầu cũng như việc thực hành tín ngưỡng tâm linh của nhân dân là chính đáng, được đảm bảo trong Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo năm 2016. Như nhà toán học - triết học Pascal đã tổng kết, đại ý rằng tâm linh là sức lực nội tâm, là động lực thúc đẩy cuộc sống trong mỗi con người. Cuộc đời con người dường như chẳng bao giờ yên ổn, nhưng luôn tất tả với những ao ước, xoay vần với những nhu cầu, khát khao với những ham muốn hoặc bế tắc với những bực dọc, bất mãn. Con người bị những khát vọng thái quá điều khiển, đến nỗi không thể nào tìm được một sự bình an sâu xa và vững bền. Do vậy, việc trảy hội mùa xuân, đến nơi thiền tự mong chiêm bái đức Phật, tìm kiếm sự thanh thản trong tâm hồn là việc nên làm.
Thế nhưng, hành hương vãn cảnh chùa thế nào, thực hành tín ngưỡng sao cho văn minh, văn hóa và an toàn trong mùa dịch giã lại là cả một vấn đề đòi hỏi ý thức của người đi trảy lễ. Dịch tuy mới tạm lui nhưng nguy cơ dương tính tiềm ẩn trong một đám hàng mấy vạn người chen nhau, trong đó có cả những người không đeo khẩu trang kia ai dám khẳng định là không có? Các đợt bùng phát dịch vừa qua như ở Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc đều khởi phát từ các đám ma, đám cưới, chợ búa…những nơi tụ tập đông người trong giao tiếp gần.
Tôi xem các hình ảnh trên báo chí, các video clip của bạn bè gửi, thấy thất vọng và lo sợ trước những cơ man ngàn ngạt những người là người kia, đang chen chúc nhau dưới mái chùa doanh nghiệp. Người ta đi thì mình phải đi, không lỡ đức Phật không thấy mặt thì không phù hộ chăng? Cứ thế này khuyến cáo “5K” cùng công sức của Bộ Y tế e rằng sẽ đổ xuống sông xuống bể. Họ vẫn rủ nhau tấp nập đi, dù trong những kẻ hành hương hồn nhiên kia có thể có rất nhiều người đã lên Facebook ca ngợi lòng tận tụy của các y bác sĩ tuyến đầu, coi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam như một thần tượng tiên phong chống dịch. Họ kéo nhau đi chùa như một phong trào.
Nhiều, rất nhiều người không hiểu rằng đầu tiên Phật giáo là một tư tưởng, một triết học trước khi là một tôn giáo. Chúng sinh hoài nghi và đau khổ cố gắng chen nhau nhét tiền lẻ vào tay Bồ tát, rải dưới liên đài, những mong được các ngài chiếu cố ưu tiên trong những khát vọng đổi đời. Nhiều người bỏ tiền cung tiến ghi tên, bỏ hòm công đức như một chứng thực tâm thành. Than ôi! Thích Ca Mâu Ni cho dù là hoàng tử nhưng đã cởi bỏ hết danh lợi để đi khất thực, lấy đâu ra tiền bạc hay chức tước mà ban phát cho quý vị. Thân tâm an lạc, phúc đẳng hà sa là thứ quý báu Ngài vô biên có sao lại chẳng cầu? Bản chất của đạo Phật là hướng con người đến những điều thiện tâm, trí tuệ để đi đến giải thoát.
Lại nhớ một câu chuyện trong “Cổ học tinh hoa” do Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc biên soạn. Chuyện Dương Phủ (đời Minh) là người mộ đạo. Nghe đất Thục có Vô Tế là bậc thông hiểu Phật pháp, ông khăn gói lên đường tầm sư học đạo. Giữa đường ông gặp và được một lão tăng khuyên nhủ:
- Thí chủ chẳng cần đi xa, cứ quay về nhà, thấy người nào đi dép ngược, quần áo xốc xếch, hình dạng tất tả thế này thế này… ắt là Phật vậy!
Dương Phủ nghe theo trở về. Đi đường tìm tòi quan sát, không gặp ai có hình dạng như lão tăng tả, mãi khuya một ngày mới về đến cổng.
Mẹ ông đang buồn phiền lo lắng, nghe tiếng con gõ cửa mừng quá vội vàng đi ngược cả dép, quần áo xốc xếch, cử chỉ tất tả, mừng mừng tủi tủi giống hệt lời lão tăng đã chỉ dẫn. Dương Phủ ngẩn người vội quỳ xuống, và hiểu đó chính là đức Phật mà lão tăng muốn mình thờ phụng. Từ đó ông thờ kính cha mẹ như đức Phật.
Nên có Đức tin, nhưng chẳng nên mê tín. Tín ngưỡng thực sự an ủi và hướng thiện tâm hồn chứ không làm mê muội con người. Phật ở tại tâm, ở trong những điều thiện tâm xung quanh ta. Ngay chính đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng giác ngộ, thành chính quả dưới một gốc cây bồ đề chứ không phải dưới một mái chùa doanh nghiệp cách tân to lớn, sơn son thiếp vàng.
Mùa xuân chưa cạn ngày trảy hội, nhưng xin đừng đi chùa như một cuộc thi đua, một phong trào tới vụ. Xin mọi người hãy luôn cảnh giác và nêu cao ý thức cộng đồng.
'Biển người' tại chùa Tam Chúc trong ngày cuối tuần
Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó trụ trì chùa Tam Chúc, cho biết các biện pháp phòng dịch đã không được đảm bảo tuyệt đối trong ngày 14/3 do du khách đổ về chùa quá đông.
Nhà văn Trung Sĩ