Trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn, lực lượng chức năng đã ghi nhận đủ các tình huống với "trăm phương nghìn kế" đối phó của các tài xế.
Tối 6/3, Tổ công tác liên ngành Y11/141 (Công an TP Hà Nội) làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn tại nút giao Lê Trọng Tấn - Nguyễn Thanh Bình (phường La Khê, quận Hà Đông), trong vòng 30 phút đã phát hiện, xử lý 8 trường hợp vi phạm (3 ô tô, 5 xe máy), trong đó có những tài xế vi phạm ở mức rất cao.
Tuy nhiên, không ít tài xế vi phạm đã dùng “trăm phương ngàn kế” để trốn tránh việc kiểm tra.
Theo ghi nhận, tài xế Đ.T.P. (SN 1983, trú tại Hà Nội) khi điều khiển ô tô mang biển số 29H-126.XX, cách chốt kiểm tra khoảng 50m đã dừng xe giữa đường để tìm cách “né chốt”.
Lực lượng làm nhiệm vụ phải đưa cả người và phương tiện về chốt kiểm tra. Tuy nhiên, ngay cả khi ở chốt, nam tài xế này vẫn liên tục gọi điện thoại cho người thân để nhờ trợ giúp bỏ qua vi phạm. Đỉnh điểm của các kế sách, nam tài xế này tìm cách bỏ trốn khỏi chốt.
Mặc dù nam tài xế chỉ vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,052 mg/L khí thở, nhưng tổ công tác liên ngành Y11/141 phải mất hơn 1 giờ để xử lý.
Một trường hợp khác, tài xế N.H.Đ. (SN 1991, trú tại Hà Nội) điều khiển ô tô mang BKS 30H-783.XX đã xuống xe và bỏ chạy khi phát hiện lực lượng CSGT kiểm soát nồng độ cồn. Khi bị yêu cầu kiểm tra, nam tài xế loanh quanh, liên tiếp bỏ đi và không xuất trình bất kỳ giấy tờ nào với lực lượng chức năng.
Dù vi phạm ở mức rất thấp, chỉ 0,181 mg/L khí thở, nhưng lực lượng CSGT phải mất hơn 2 giờ mới hoàn tất hồ sơ để xử lý nam tài xế.
Trung tá Nguyễn Đức Huấn, Tổ trưởng tổ công tác liên ngành Y11/141 (Công an TP Hà Nội) cho biết, trong quá trình xử lý vi phạm, lực lượng CSGT gặp nhiều tình huống tài xế chống đối, thậm chí là gây nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ.
“Nhiều tình huống ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của lực lượng CSGT, nhất là chiến sĩ trực tiếp dừng xe vi phạm. Chúng tôi phải rất tập trung để đảm bảo an toàn, sử dụng các thiết bị như đèn pin, dây phản quang… để cảnh báo cho tài xế”, Trung tá Nguyễn Đức Huấn cho biết.
Trung tá Nguyễn Đức Huấn cho biết thêm, cũng có những trường hợp tài xế biết mình đã vi phạm sẽ bị phạt nặng, vội lấy điện thoại gọi cho người thân để xin bỏ qua.
“Chúng tôi sẵn sàng nghe điện, nghe máy để giải thích cho họ mức xử phạt và tinh thần cương quyết xử lý của CSGT. Cũng mong muốn người thân thuyết phục tài xế chấp hành, không chống đối lực lượng làm nhiệm vụ”, Trung tá Nguyễn Đức Huấn nói.
Trung tá Nguyễn Đức Huấn cũng nêu ra tình huống tài xế không chấp hành đo nồng độ cồn, cho người thân cố thủ trong xe để gây sức ép với tổ công tác.
Trước đó, tối 12/2, Tổ công tác yêu cầu tài xế V.Đ.N. (28 tuổi, trú tại Phú Thọ) kiểm tra nồng độ cồn, người này không chấp hành mà yêu cầu tổ 141 cho kiểm tra chuyên đề, kế hoạch công tác.
“Chúng tôi phải giải thích rất nhiều lần để người vi phạm nắm được quy định của pháp luật mà chấp hành, nhưng người này vẫn dùng mọi cách để chống đối”, Trung tá Nguyễn Đức Huấn nói.
Mất hơn 3 giờ vừa mềm mỏng động viên, giải thích vừa cương quyết xử lý vi phạm, tổ công tác đã lập biên bản xử phạt tài xế.
Không dừng lại ở đó, Trung tá Nguyễn Đức Huấn cũng cho biết, tài xế vi phạm còn "tung chiêu" không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ liên quan đến phương tiện để khai tên giả hoặc cho người khác nhận lỗi hộ.
"Đối với các trường hợp không chịu xuất trình giấy tờ, lực lượng CSGT sẽ ghi nhận thông tin ban đầu. Quá trình người vi phạm lên làm việc, lực lượng chức năng sẽ xác minh các thông tin tài xế tự khai có chính xác hay không. Chúng tôi xử lý vi phạm đảm bảo khách quan, đúng lỗi, đúng người vi phạm”, lời Trung tá Nguyễn Đức Huấn.
Cũng theo Trung tá Nguyễn Đức Huấn, mặc dù lực lượng CSGT phải liên tục đối mặt với nguy hiểm nhưng anh em trong tổ luôn cố gắng đề hoàn thành tốt mục tiêu kiểm soát được vi phạm về nồng độ cồn, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân.