Thu Đông năm 1943, Liên Xô tiến hành một chuỗi các chiến dịch tấn công chiến lược nhằm thu hồi vùng Donbas và toàn bộ tả ngạn Ukraina - một trong những nguồn cung cấp quặng sắt, than đá cho nền kinh tế và các nhà máy quốc phòng.
Đó chính là trận sông Dnepr, một trong những trận đánh lớn nhất của Thế chiến thứ II, diễn ra trên phần phía nam của khu vực trung tâm và suốt chiều dài cánh nam mặt trận Xô-Đức, với tổng độ dài mặt trận lên đến hơn 1.600 km trên toàn bộ phần tả ngạn sông Dnepr và vùng Donbass, thu hút khoảng 3.900.000 sĩ quan và binh sĩ của cả hai bên.
Hồng quân Liên Xô xây dựng cầu phao vượt qua sông Dnepr để tiến về phía đông bắc Kiev vào cuối 1943. Ảnh: Arkady Shaikhet/TASS |
Tham gia trận đánh, phía Hồng quân Liên Xô có: Phương diện quân (PDQ) Trung Tâm (từ ngày 20/10/1943 đổi tên thành PDQ Belorussia) do Đại tướng Rokossovsky làm Tư lệnh; PDQ Voronezh (từ ngày 20/10 là PDQ Ukraina 1) do Đại tướng Vatutin làm Tư lệnh; PDQ Thảo Nguyên (từ ngày 20/10 là PDQ Ukraina 2) do Thượng tướng Konev làm Tư lệnh; PDQ Tây Nam (từ ngày 20/10 đổi thành PDQ Ukraina 3) do Đại tướng Manilovsky làm Tư lệnh; PDQ Nam (từ ngày 20/10 đổi thành PDQ Ukraina 4) do Thượng tướng Tolbukhin làm Tư lệnh.
Nguyên soái Zhukov được cử làm Đại diện Đại bản doanh, chỉ đạo phối hợp tác chiến giữa các PDQ Trung Tâm, Voronezh và Thảo Nguyên; Nguyên soái Vasilevsky làm Đại diện Đại bản doanh, chỉ đạo phối hợp tác chiến giữa các PDQ Tây Nam và Nam. Các Đại diện Đại bản doanh có quyền thay mặt Tổng tư lệnh Tối cao quyết định các vấn đề chiến lược của các phương diện quân được giao phụ trách, ngay tại mặt trận.
Lính Đức lập tuyến phòng thủ bên bờ sông Dnepr. Ảnh tư liệu |
Về phía quân Đức, vào thời điểm 4 tháng cuối năm 1943, quân đội Đức quốc xã tại cánh nam mặt trận Xô-Đức có Cụm tập đoàn quân (TĐQ) Nam do thống chế Erich von Manstein làm tư lệnh, gồm 3 TĐQ bộ binh, 2 TĐQ xe tăng, 1 TĐQ không quân, tổng cộng có 70 sư đoàn. Đây là Cụm TĐQ mạnh nhất của quân đội Đức trên mặt trận phía Đông nhưng lại phải phụ trách tuyến mặt trận dài, chiếm khoảng gần 50% tổng chiều dài mặt trận Xô-Đức. Tham gia phòng ngự còn có TĐQ 2 ở cánh trái của Cụm TĐQ Trung Tâm do các thống chế Gunther von Kluge và Ernst Busch (từ tháng 10/1943) làm tư lệnh.
Giai đoạn đầu (26/8 đến 30/9/1943) của trận đánh, mặc dù chiếm ưu thế về quân số và phương tiện nhưng cuộc tấn công của Hồng quân trên 1.400 km tổng độ dài mặt trận từ Nam Smolensk đến Taganrog lại khởi đầu chậm chạp và khó khăn, quân Đức đã biến các thành phố, thị xã, thị trấn và làng mạc ở Đông Ukraina thành các cụm cứ điểm phòng ngự mạnh.
Tuy nhiên, chỉ sau ba tuần đầu tiên, trên không gian tương đối bằng phẳng của vùng tả ngạn sông Dnepr, các binh đoàn xung kích của Hồng quân đã tiến về phía tây từ 100 đến hơn 200 cây số. Trên hai hướng Kiev và hạ lưu sông Dnepr, các cuộc tấn công của các PDQ Belorussia, Ukraina 3 và 4 đã đạt đến chiều sâu chiến thuật trên 300 km; tốc độ tấn công đạt 10 đến 15 km/ngày đối với xe tăng-cơ giới và từ 7 đến 8 km/ngày đối với bộ binh; thu hồi 41 thành phố, thị xã, thị trấn.
Hồng quân Liên Xô sử dụng súng máy hạng nặng DShK để phòng thủ bên bờ sông Dnepr năm 1943. Ảnh tư liệu |
Giai đoạn sau bắt đầu ở hạ lưu sông Dnepr ngày 26/9/1943 và kết thúc đúng một tuần trước khi bước sang năm mới 1944. Kết quả, Hồng quân Liên Xô thu hồi toàn bộ phần đông lãnh thổ Ukraina và một phần lãnh thổ Nga, tiến về phía tây từ 300 đến 450 km, giải phóng toàn bộ bờ tả ngạn sông Dnepr và thành phố Kiev. Ngoài ra, Hồng quân còn chiếm được nhiều căn cứ đầu cầu quan trọng làm bàn đạp cho chiến dịch tấn công hữu ngạn Dnepr kế tiếp ngay sau đó, thu hồi lại toàn bộ lãnh thổ Ukraina và tiến ra tuyến biên giới quốc gia của Liên Xô.
Ngoài ra, do toàn bộ TĐQ 17 Đức phải rút về Crưm và bị cô lập với chủ lực quân đội Đức tại mặt trận phía đông, đã tạo điều kiện thuận lợi cho một số đơn vị của TĐQ ven biển Hồng quân (nguyên là PDQ Bắc Kavkaz) đổ bộ thành công lên bán đảo Kerch làm căn cứ đầu cầu để tấn công Crưm từ phía đông, phối hợp với PDQ Nam tấn công từ phía bắc qua eo đất Perekop, thu hồi toàn bộ bán đảo Crưm vào mùa xuân năm 1944.
Hồng quân Liên Xô tiến vào giải phóng Ukraina năm 1944. Ảnh tư liệu |
Trận sông Dnepr trở thành một trong những trận đánh có tổng số thương vong cao nhất trong Thế chiến thứ hai. Trong đó, quân đội Liên Xô thiệt hại nặng nề nhất trong các cuộc vượt sông sang Kiev và các trận đánh trước cửa ngõ phía bắc Krivoy Rog; còn quân đội Đức thiệt hại nặng nhất trong cuộc phòng thủ Poltava và các cuộc phản kích không thành vào Kiev ở giai đoạn cuối chiến dịch.
Tổng tổn thất về quân số của lục quân Đức quốc xã là 749.458 người (chưa tính số thiệt hại của các đơn vị SS, không quân và các đơn vị Romania tham gia tại cánh cực nam của Cụm TĐQ Trung Tâm), chiếm 59,96% tổng quân số tham gia chiến dịch. Còn tổn thất quân sự - kinh tế nghiêm trọng nhất của quân Đức là đã để mất toàn bộ vùng công - nông nghiệp Donbas trù phú.
Trong suốt hơn 2 năm bị chiếm đóng, đây là nơi cung cấp cho nước Đức than đá, quặng sắt, quặng kim loại màu, nhiều nguyên liệu quan trọng và một khối lượng lớn lượng thực, thực phẩm. Việc Quân đội Liên Xô chiếm lại toàn bộ Donbas đồng nghĩa với sự phá sản của chiến lược "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh" của quân đội Đức tại mặt trận phía đông.
2.500 cán bộ, chiến sĩ Hồng quân đã được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô trong trận sông Dnepr.
>>> Đọc tin quân sự thế giới trên VietNamNet
Nguyên Phong
Chuyện kể về một đoàn quân oai hùng của Hồng quân Liên Xô
Lịch sử dường như đã sắp xếp để 2 trong số 4 tập đoàn quân (TĐQ) nổi tiếng nhất Thế chiến thứ hai đối đầu nhau tại chiến trường ác liệt nhất-Stalingrad.
Cái kết ảm đạm của một đạo quân Đức quốc xã thiện chiến
Tập đoàn quân (TĐQ) 6 quân đội Đức quốc xã là đạo quân thiện chiến, từng thành công trong các chiến dịch tấn công Ba Lan, Pháp và Ukraina của Liên Xô.