Sau khi đọc bài viết Nỗi ám ảnh tột cùng của một thầy giáo sau cái tát học sinh trên VietNamNet, tôi suy nghĩ rất lâu và quyết định kể về câu chuyện của mình. Bởi tôi cũng có một "vết xước" trong tâm lý như vậy nhưng ở vị trí là một người học trò...

Tôi thuộc thế hệ 8X đời đầu. Thời của chúng tôi, chuyện học trò bị giáo viên đánh đòn xảy ra như cơm bữa.

Hồi tiểu học, mỗi giáo viên khi đến lớp đều đem theo một cây thước loại 1,2m bằng gỗ bóng loáng. Nhiều đứa học chậm hoặc nói chuyện riêng, nhẹ thì bị véo tai, kéo tóc mái, ném phấn vào mặt… nặng thì úp tay xuống bàn để thầy cô vụt liên tiếp vào mu bàn tay, đau đến phát khóc vẫn không dám rụt lại.

Thậm chí, nhiều đứa còn bị đánh đến gãy cả thước, tát lằn cả mặt. Có những giáo viên tuy không đánh, nhưng hễ học sinh làm sai lại liên tục miệt thị bằng những từ ngữ khó nghe.

Tôi còn nhớ hồi lớp 4, lớp tôi có một thầy giáo, chỉ cần nhắc đến tên thôi ai cũng thấy sợ. Có lần, vì mải nói chuyện riêng, khi thầy yêu cầu tôi đứng lên nhắc lại những điều thầy vừa nói nhưng tôi không nói được, thầy đã đánh tôi đến tím cả tay, thước gãy làm đôi. Vậy mà, thầy vẫn tiếp tục đánh.

Đến khi cả lớp ra về, thầy bắt tôi ở lại lớp cho đến khi học thuộc bài mới thôi. Tôi không dám về, chỉ biết vừa ngồi một mình trong lớp vừa khóc. Mãi đến tối, vì không thấy con nên bố tới trường tìm, tôi mới dám ra về.

Vừa đau tay, vừa cảm thấy tủi thân nên tôi òa khóc nức nở. Từ đó, tôi càng thấy sợ thầy hơn. Mỗi khi đến tiết dạy của thầy, dù hiểu và biết cách làm nhưng khi bị gọi lên bảng, tôi lại quên béng, đứng chôn chân và run như cầy sấy vì sợ sai và thầy đánh đòn. Rốt cuộc, môn Toán của tôi luôn bị điểm kém nhất nhì lớp.

Cho đến bây giờ, thi thoảng tôi vẫn còn mơ thấy bị thầy giáo đánh đòn. Nó thực sự đã ám ảnh tôi. Một vết thương tâm lý khó thể lành... Tôi cho rằng, thầy cô đi dạy mà giống như “sát thủ”, học sinh chỉ thấy sợ chứ cũng không hiểu thầy cô dạy gì.

Ảnh minh họa

Giờ đây, khi đã lập gia đình và sinh con, tôi luôn dạy con gái rằng, thân thể là của mình, bất cứ ai cũng không có quyền xâm phạm, kể cả cha mẹ hay thầy cô.

Tôi cũng nói với con rằng, nếu thầy cô có hành vi bạo lực, con cần nói với bố mẹ, hoặc thậm chí, con có thể trực tiếp đến gặp cô hiệu trưởng. Nếu ban giám hiệu không giải quyết, bố mẹ sẽ có biện pháp khác như làm đơn lên những cấp cao hơn.

Có thể nhiều người sẽ nói rằng “Phụ huynh này ghê gớm quá”, nhưng tôi không chấp nhận con mình bị hành hạ như vậy. Đó là bạo hành tâm lý chứ không phải là giáo dục nữa. Và nếu phụ huynh nào im lặng trước bạo lực khác nào đồng lõa với cái xấu?

Bạo lực sẽ gây ám ảnh cho học sinh, tạo ra tâm lý  khiến các con thấy sợ nhiều hơn thích mỗi khi đến trường.

Đồng nghiệp của tôi từng kể rằng, con của cô ấy học lớp 1, nhưng có hôm đi học về tiểu cả ra quần chỉ vì sợ cô giáo, không dám xin ra ngoài đi vệ sinh. Tại sao các con đi học mà phải giống như hành xác vậy?

Tôi cho rằng, việc dùng bạo lực là độc hại và phản giáo dục. Nó chỉ thể hiện sự bất lực của giáo viên và coi đó như một cách trút giận, giải tỏa cảm xúc tiêu cực của mình lên thân thể học sinh.

Hoặc cũng có thể, thầy cô nghĩ rằng, đó là cách nhanh nhất để đưa một đứa trẻ “đi vào khuôn khổ”.

Dạy dỗ bằng bạo lực và tạo cho trẻ cảm giác sợ hãi – đó là một sự lười biếng trong tư duy giáo dục.

Giờ đây, thầy cô là những người có học vấn cao, được dạy các kỹ năng sư phạm với những giáo trình tiến bộ, để bất lực tới mức phải dùng bạo lực, chứng tỏ trình độ của thầy cô đang có vấn đề.

Là giáo viên, sự kiên nhẫn, lắng nghe, bao dung học trò… thiết nghĩ, là điều quan trọng hơn cả, trước khi bàn đến trình độ, năng lực chuyên môn của người thầy.

LỜI TÒA SOẠN   

Áp lực của giáo viên về chuyện kỷ luật học sinh thực sự đang hiện hữu. Không ít thầy cô cho rằng việc tâm sự, khuyên nhủ hay răn đe, với một số học sinh, vẫn không thể giải quyết được vấn đề.

VietNamNet mở diễn đàn "Kỷ luật học đường như thế nào để phù hợp?", rất mong được sự đóng góp ý kiến của độc giả.

Ý kiến gửi về bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!

Độc giả Phương Bình (40 tuổi)

Giáo viên ngày càng thu mình và 'sợ' học sinh?

Giáo viên ngày càng thu mình và 'sợ' học sinh?

Áp lực của giáo viên về chuyện kỷ luật học sinh thực sự đang hiện hữu. Học sinh vi phạm, thách thức, vô lễ… đa phần giáo viên chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”, đành im lặng, cam chịu… để được yên thân.