Theo quy định, thuốc là mặt hàng không được bán online (trực tuyến). Thế nhưng thời gian gần đây, các bệnh viện liên tục phản ánh về tình trạng nhiều website, mạng xã hội (Facebook, YouTube…) đã mạo danh một số bác sĩ để tư vấn bán thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, hàng giả, kém chất lượng. Do đó, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo này, tránh “tiền mất, tật mang”.
Đủ chiêu mạo danh, lừa đảo…
Cuối tháng 11 vừa qua, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng giả danh thuốc của bệnh viện. Theo phản ánh, một người đàn ông tên là T.V.Đ (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có vợ bị tăng huyết áp. Ông Đ. xem quảng cáo trên YouTube, thấy giới thiệu thuốc chữa bệnh cao huyết áp, chỉ 1 liều là khỏi vĩnh viễn.
Người bán hàng còn tự xưng là bác sĩ làm việc tại Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện trung ương Quân đội 108), nên ông Đ. tin tưởng và đặt mua. Tuy nhiên, khi nhận, trên vỏ thuốc lại ghi trị bệnh tiểu đường. Để làm rõ sự việc, ông Đ. liên hệ với Bệnh viện trung ương Quân đội 108, lúc đó mới phát hiện mình bị lừa, mua phải thuốc giả.
Tương tự, Bệnh viện Da liễu trung ương cũng nhiều lần đưa ra cảnh báo về chiêu trò lợi dụng dịch Covid-19, người dân ngại đi khám bệnh, không ít kẻ đã sử dụng hình ảnh, mạo danh bác sĩ của bệnh viện để tư vấn bán thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc trên Facebook.
Thậm chí, có đối tượng còn sử dụng những đoạn hình ảnh về hội nghị da liễu do bệnh viện tổ chức, sau đó chèn video quảng cáo thuốc của mình vào nhằm tạo lòng tin đối với người dân để bán thuốc, tư vấn khám, chữa bệnh. Bệnh viện Da liễu trung ương khẳng định, đơn vị không triển khai khám bệnh trực tuyến, chỉ bán thuốc trực tiếp tại nhà thuốc nằm trong khuôn viên bệnh viện; tuyệt đối không tư vấn, quảng cáo và bán thuốc, thực phẩm chức năng online hoặc qua điện thoại.
Cũng là nạn nhân của tình trạng này, GS.TS Trương Việt Bình, nguyên Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết: “Các quảng cáo về thuốc đông y trị dứt điểm hoàn toàn được bệnh đăng tải tràn lan trên Facebook là không đúng sự thật. Hiện tại, có khoảng 40 trang web sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của tôi cắt ghép vào các video quảng cáo thuốc đông y gây hiểu lầm. Dù tôi đã nhiều lần phản ánh, gửi khiếu nại về nội dung của các trang mạng này, nhưng sự việc vẫn tái diễn”.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên Facebook diễn ra tràn lan. Hầu như ngày nào, cơ quan chức năng cũng kiểm tra, phát hiện rất nhiều quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, nhưng lại được khẳng định là có công dụng “trị bệnh”, “dùng một liều là khỏi”... Những quảng cáo này vi phạm quy định của pháp luật và lừa dối người tiêu dùng.
Không nên sử dụng các loại thuốc rao bán online
Trung bình một tháng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân nhập viện vì tự ý sử dụng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc. Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị ngộ độc do sử dụng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc, thành phần.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, việc người dân sử dụng các thuốc nam trôi nổi, không rõ nguồn gốc sẽ không loại trừ việc thuốc có thể bị trộn thêm các chất khác từ tây y, thậm chí là các chất cấm sử dụng. Phổ biến nhất là thuốc Nam trộn corticoid với liều cao để giảm đau, kháng viêm, giúp bệnh nhân viêm khớp giảm triệu chứng đau rất nhanh, nhưng để lại hậu quả lâu dài và hết sức nặng nề. Cá biệt, Trung tâm Chống độc đã điều trị cho một bệnh nhân bị suy đa tạng do ngộ độc paracetamol, sau một thời gian sử dụng thuốc nam để chữa đau xương khớp.
“Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt, chỉ được uống với liều lượng và hướng dẫn cụ thể theo chỉ định của bác sĩ. Việc trộn paracetamol vào thuốc nam với liều lượng không được công bố khiến bệnh nhân bị ngộ độc là việc làm phi pháp. Người dân khi có bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế và uống thuốc theo đơn của bác sĩ. Không nên tự ý dùng thuốc theo kinh nghiệm dân gian, thuốc trôi nổi trên thị trường, được bán online không rõ nguồn gốc để tránh “tiền mất, tật mang”", bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.
Luật Dược năm 2016 quy định rõ, thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: Nhà thuốc; quầy thuốc; tủ thuốc của trạm y tế xã/phường; cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.
Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường khẳng định, theo quy định, không được bán thuốc online và nghiêm cấm việc quảng cáo thuốc dưới hình thức lấy hình ảnh nhân viên nhà thuốc, thư mời, bác sĩ giới thiệu…
Do đó, người dân phải cảnh giác với những trang web hay Facebook rao bán thuốc; tìm hiểu kỹ về chất lượng thuốc, tình trạng pháp lý của cơ sở kinh doanh dược phẩm để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, gây nguy hại đối với sức khỏe.
Theo Hà Nội mới