Trở thành khách mời tại sự kiện về diễn xuất ngày 16/8, Trấn Thành có phát ngôn gây tranh cãi trong giới làm nghề cũng như khán giả.
Trấn Thành nói không sai
Cụ thể, khi nói về nghề diễn, Trấn Thành cho hay: "Sinh viên Việt Nam thiệt thòi, thiếu thốn vì không có đơn vị đào tạo chính thống, dùng từ dễ hiểu nhất là ra hồn. Nếu được đào tạo, cọ xát mình mới biết bản thân tới đâu vì nghề này rất chua chát”.
Chia sẻ với Tiền Phong trưa 18/8, NSND Lan Hương cho rằng nếu xét ở khía cạnh cần nghiêm khắc hơn nữa trong đào tạo diễn xuất thì Trấn Thành không sai. “Nghiêm khắc đây không phải kỷ luật mà là nghiêm khắc với những bài tập của sinh viên, nghiêm khắc với sự nhận thức của học viên. Nếu Trấn Thành có nói như thế thật thì với vai trò đạo diễn, cáu kỉnh, sốt ruột là đặc thù của nghề. Ra hiện trường, các đạo diễn hay nóng nảy vì muốn cho công việc hoàn hảo. Có thể Trấn Thành phát ngôn bột phát vì tôi tin Trấn Thành hoàn toàn biết trường đào tạo được gì và khi thực hành nghề mới là trường học lớn như thế nào”, NSND Lan Hương nói.
Diễn viên Em bé Hà Nội cho biết vì chị không trực tiếp nghe Trấn Thành chia sẻ nên không bàn luận nhiều. Tuy nhiên, từng có thời gian là giảng viên của Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, NSND Lan Hương nhấn mạnh ngôi trường luôn tìm cách tốt nhất để đào tạo ra những lứa đạo diễn, diễn viên, biên kịch, quay phim, lý luận, hóa trang, mỹ thuật…
“Không có trường đào tạo diễn xuất nào ra hồn ư? Vẫn có hồn đấy nhưng dần dần phải để cái hồn đó vững vàng hơn. Không mấy ai thành công ngay khi mới ra trường. Tuy trường học đã truyền nghề rất tốt, những người hoạt động nghệ thuật phải luôn nỗ lực. Con đường làm nghề mới là yếu tố quyết định. Các trường đào tạo diễn xuất ở phía Bắc thường xuyên mời các cộng tác viên, giảng viên ở một số nước như Pháp, Hàn, Nhật, Australia… về giảng dạy. Tôi cho rằng điều kiện học tập của sinh viên theo nghệ thuật hiện nay khá tốt”, chị cho hay.
Theo NSND Lan Hương, nghề chọn người. Nếu nghề không chấp nhận thì dù có cố gắng bao nhiêu cũng không thể thành công. Hoạt động nghệ thuật rất vất vả, vinh quang cũng lắm mà cay đắng cũng nhiều. Trường đào tạo diễn xuất chính quy có giáo trình rất đầy đủ và sáng tạo nhưng nếu nghề không chấm, rồi cũng rơi rụng. Những người còn bám trụ lại là những cá thể quý hiếm đối với nghề.
Nghề này, dân gian có câu ví hơi tiêu cực nhưng cũng vui đó là ''Vắt chanh bỏ vỏ''. Nôm na là mỗi người đều có một thời để thương để nhớ, một thời rực rỡ. Nghệ thuật không có đỉnh cao cuối cùng, đỉnh cao luôn ở phía trước. Là thế hệ đi trước nhưng NSND Lan Hương rất cảm phục, ngưỡng mộ thế hệ trẻ như Victor Vũ, Trấn Thành, Vũ Hoàng Điệp… Họ cố gắng để hội nhập với điện ảnh các nước tiên tiến, nỗ lực cố gắng để điện ảnh dần hòa vào thế giới phẳng.
Trấn Thành thường xuyên gây tranh cãi vì những phát ngôn nhạy cảm. |
Với NSND Lan Hương, câu chuyện phát ngôn lần này của Trấn Thành là bài học cho những người nổi tiếng về việc giữ hình ảnh, cẩn trọng khi giao lưu cùng khán giả.
Không phải người nổi tiếng nói gì cũng đúng, nói gì cũng được
Cũng bàn về câu chuyện đạo tạo diễn xuất hiện nay, NSND Trung Anh chia sẻ có nhiều trường dạy diễn xuất cực kỳ bài bản và chuyên nghiệp. “Điều đầu tiên chúng tôi dạy sinh viên ở Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội đó là sự chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp để không phát ngôn bừa bãi và làm nghề một cách nghiêm túc, có chuyên môn. Không phải người nổi tiếng nói gì cũng đúng, nói gì cũng được”, NSND Trung Anh bày tỏ.
Diễn viên Người phán xử nhấn mạnh trường dạy sinh viên kỹ năng diễn xuất còn ứng dụng như thế nào lại tùy thuộc vào từng cá nhân. “Nhiều người quan niệm học để đi đóng phim nhưng không phải như thế. Chúng tôi dạy kỹ năng diễn xuất, sinh viên cùng học giáo trình và chuyên môn như nhau nhưng tùy sự thích ứng của từng người”, nam diễn viên cho biết.
Đồng quan điểm với NSND Trung Anh, diễn viên Chiến Thắng cho rằng nhiều thế hệ nghệ sĩ của Việt Nam đều được đào tạo bài bản từ trường lớp. “Bất cứ người nghệ sĩ, diễn viên nào cũng từ sự đào tạo mà ra. Trường học là nền móng và những cọ xát trong thực tế giúp mỗi người trưởng thành theo cách riêng. Thế mới có câu: ‘Không thầy đố mày làm nên’”.
Chiến Thắng cho biết thực tế có nhiều người không được đào tạo bài bản cũng tự gắn mác diễn viên. “Một ngày mở mắt ra tôi thấy có thêm hàng chục diễn viên. Dưới sự hỗ trợ của công nghệ, thời đại số nên việc một người trở thành diễn viên chóng vánh đến bất ngờ. Tuy nhiên, nếu không được đào tạo bài bản thì họ chỉ nổi lên trong thời gian ngắn rồi tự đào thải vì nhàm chán, hời hợt”, Chiến Thắng nói.
(Theo Tiền Phong)