Thật sự tôi rất nể phục và trân trọng những nỗ lực của ngành y tế và chính quyền TP.HCM cũng như Trung ương đã làm để ngăn chặn dịch bệnh nhưng theo tôi, vẫn còn một số vấn đề. Nếu biết cách cải thiện thì kết quả hy vọng sẽ tốt hơn. 

Thứ nhất, dường như công tác tổ chức chống dịch không được suôn sẻ, có sự dẫm chân lên nhau và phân công không rõ ràng.

{keywords}
 Mỗi ngày có 2.500 - 3.000 người đến bệnh viện Quân y 175 (quận Gò Vấp, TP.HCM) làm xét nghiệm test nhanh và lấy mẫu RT-PCR để được cấp giấy thông hành đi lại

Biểu hiện được minh chứng qua các video clip cảnh người chen nhau lấy mẫu và nhận kết quả ở chợ đầu mối Bình Điền, cảnh ở sân vận động Phú Thọ người dân chen nhau đi chủng ngừa, cảnh người dân trong các khu cách ly F1 ở trường học, vụ lùm xùm trong công tác tổ chức khi các em sinh viên Hải Dương vào hỗ trợ công tác chống dịch, rồi mới hôm qua thôi cảnh hàng trăm F0 phải tập trung chờ nhập vào các bệnh viện dã chiến vì thiếu chỗ, cảnh đám đông chờ xét giấy chứng nhận test Covid âm tính. 

Vấn đề thứ hai là lòng dân hoang mang, lo sợ và hoảng hốt, đặc biệt là những bệnh nhân F0, những đối tượng F1, F2. 

Một người quen của tôi ở huyện Bình Chánh nhắn tin nói rằng suốt đêm không ngủ được vì tiếng còi xe cứu thương hụ, tiếng loa phóng thanh đến những khu lân cận để chở các F0, F1 đi trong đêm, để phong toả các khu vực có F0.

Tinh thần của người dân hết sức căng thẳng. Người F0 lo bệnh trở nặng, bị cách ly thì con cái, cha mẹ ai lo, chưa kể trẻ con đi cách ly thì gia đình đứng ngồi không yên. Người F1 lo vào cách ly bị lây nhiễm chéo, hồi hộp từng ngày sợ thành F0. F2, rồi F3, F4 ai ai cũng lo theo dõi tình hình những người mình tiếp xúc.

Là bác sĩ, tôi được học và dạy cho sinh viên về tính chuyên nghiệp, cách đối xử và tôn trọng người bệnh, là thấu cảm và thông cảm với người bệnh, làm an tâm người bệnh, bảo mật cho người bệnh. Vậy đối với cộng đồng thì y tế dự phòng cũng phải làm như vậy phải không? Gần đây đã có tiến bộ là không còn đăng tên tuổi người bệnh cùng lịch trình của họ trên các phương tiện truyền thông, nhưng cũng còn nhiều điều cần cải thiện. 

Vấn đề thứ ba là nhân viên y tế ngoài làm việc rất cực nhưng không hiểu và biết rõ chiến lược và đích đến cuối cùng của những hoạt động chống dịch hiện nay.

Đích đến là đưa tần suất mắc bệnh về bằng 0 chăng, một điều không khả thi. Đích đến là sống chung an toàn với con virus chăng, đó là điều thế giới hướng tới, nhưng để làm điều đó, kế hoạch cụ thể từng bước với những mốc thời gian rõ ràng như thế nào, nhân viên y tế không biết rõ. Họ chỉ làm theo phân công đi chủng ngừa, đi lấy mẫu, vào khu cách ly chăm sóc bệnh nhân, vậy thôi. 

Xây dựng phương án chăm sóc F0 nhẹ tại nhà 

Với mong muốn trở về cuộc sống bình thường và góp phần cải thiện công tác chống dịch của thành phố và cả nước, tôi nghĩ nên có những cải cách sau: 

Về công tác tổ chức, thành phố nên phân công theo chiều dọc từ Sở Y tế xuống tới các quận huyện, thành lập các nhóm chuyên trách: Nhóm phụ trách F0 (đã phát hiện và chưa phát hiện), nhóm phụ trách F1, nhóm phụ trách chủng ngừa, nhóm phụ trách xét nghiệm, nhóm làm công tác tuyên truyền vận động, nhóm làm công tác hỗ trợ trật tự an ninh.

- Nhóm tầm soát tìm F0: Chịu trách nhiệm về việc lấy mẫu, tầm soát. Không lấy mẫu tập trung. Nhân viên lấy mẫu lưu động, di chuyển, còn đối tượng được lấy mẫu nên ở tại chỗ. Cần xây dựng rõ chiến lược sử dụng RT-PCR, test nhanh kháng nguyên. 

{keywords}
Xe cấp cứu, xe chở khách 45 chỗ nối đuôi nhau chở F0 vào bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 2 của TP.HCM. Ảnh: Zing

Hiện điều này rất mơ hồ, ngay cả nhân viên y tế cũng không rõ. Để tăng tính chi phí - hiệu quả, nên đẩy mạnh việc sử dụng test nhanh và không nên chỉ khư khư cơ sở y tế công lập mới được làm, hãy học hỏi kinh nghiệm các nước phổ biến test nhanh toàn dân tự làm.

Đừng sợ người dân khi phát hiện bệnh trốn tránh gây lây lan, họ chỉ trốn khi bị bắt vào cách ly, nếu họ biết sẽ được theo dõi, chăm sóc tốt, hỗ trợ tốt tại nhà thì chắc chắn sẽ không trốn tránh và tự cách ly bảo vệ người thân, đó là tâm lý người bệnh.

- Nhóm phụ trách F0: Cần phân thành 2 nhóm chăm sóc bệnh nhẹ và bệnh nặng.

Theo tôi, hiện nay và trong những ngày tới chắc chắn sẽ không đủ chỗ cho tất cả F0 nhẹ trong bệnh viện, phải xây dựng sẵn phương án chăm sóc F0 nhẹ tại nhà như các nước châu Âu và Mỹ, huấn luyện và giao cho y tế cơ sở chăm sóc và theo dõi, chuyển viện khi cần, vì vào bệnh viện dã chiến mà điều kiện vệ sinh kém, ăn uống không theo ý muốn, tinh thần lo lắng thì hệ thống miễn dịch của người bệnh còn tệ hơn và bội nhiễm thêm các vi trùng khác trong bệnh viện.

Tôi thấy nhân viên y tế tất cả bệnh viện đều bị kéo hết đi lấy mẫu và chủng ngừa, vào khu cách ly chăm sóc bệnh nhân nhẹ, hiện họ rất stress, trong khi vấn đề chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất như máy thở, oxy, ECMO cũng như huấn luyện chăm sóc bệnh nhân Covid nặng chưa được quan tâm đúng mức, coi chừng chúng ta bị hổng ở đây và tỉ lệ tử vong sẽ tăng.

Phải củng cố lại hệ thống điều trị tại bệnh viện. Gần đây thành phố có những trường hợp dưới 60 tuổi, không bệnh nền mà vẫn tử vong, phải lưu tâm đến việc chăm sóc nhóm bệnh nhân nặng.

Cách ly F1 tại nhà, huấn luyện cho F1 cách ngừa lây lan

- Nhóm phụ trách F1: Chủ yếu chịu trách nhiệm lấy mẫu tầm soát định kỳ tại nhà, huấn luyện cho F1 cách ngừa lây lan và theo dõi tuân thủ của họ.

Nên cách ly F1 tại nhà, vì chắc chắn sẽ không có chỗ để mà cách ly họ, các khu cách ly không đủ điều kiện sẽ làm tăng lây nhiễm chéo. Việc này sẽ nhờ lực lượng tại các địa phương hỗ trợ. Hãy huấn luyện, hướng dẫn cụ thể và hỗ trợ cho những F1 và sử dụng các phương tiện để theo dõi tuân thủ của họ tại nhà.

- Nhóm phụ trách chủng ngừa nên tổ chức lại, không tập trung, xe chủng ngừa nên lưu động. Việc sàng lọc hiện nay quá rườm rà, mất thời gian, nên rút gọn lại.       

- Nhóm phụ trách tuyên truyền, thành phố nên giao cho Trung tâm tuyên truyền giáo dục y tế, ở cạnh Sở Y tế. Theo tôi đây là khâu yếu nhất hiện nay.

Cần phổ biến riêng cho từng đối tượng bệnh nhân nhẹ, bệnh nhân nặng, F1, F2, rồi người dân kiến thức về bệnh như cơ chế gây bệnh của virus, diễn tiến và biến chứng của bệnh để người dân bớt lo lắng, biết cách tự bảo vệ mình và người thân, cách tự chăm sóc và theo dõi mình khi mắc bệnh.

Hiện trên các phương tiện truyền thông chỉ hàng ngày công bố số ca mắc, ca tử vong, rồi khẩu hiệu 5K, chấm hết. Cần làm thêm phim khoa học, phim hoạt hình, kịch truyền hình, kịch truyền thanh, tờ rơi để hướng dẫn người dân và người bệnh. Các khu cách ly chỉ có loa phóng thanh nhắc nhở nhưng thiếu hẳn phương tiện truyền thông giáo dục.

- Thành phố nên xem xét lại việc giấy chứng nhận test Covid âm tính không quá 3 ngày để đi qua chốt kiểm soát. Hãy bàn lại xem có cách nào hay hơn không, chứ quá phức tạp cho người lao động, cứ 3 ngày xét nghiệm một lần, rồi lấy giấy chứng nhận, rồi xếp hàng chờ kiểm soát.

Người lao động đã quá khổ với miếng cơm manh áo rồi, hãy đặt mình vào vị trí của người dân. Nên chăng các cơ sở sản xuất, nhà máy làm test 1 lần/tuần tại nhà máy, do nhân viên y tế đến tận nơi làm và báo cáo kết quả cho chính quyền địa phương giống như nhân viên y tế hiện nay. 

Khi đã phân công nhân lực rõ ràng, thành phố sẽ biết được chỗ nào mình thiếu, chỗ nào mình cần hỗ trợ và hỗ trợ cái gì. Từ đó yêu cầu Trung ương và các tỉnh bạn hỗ trợ cụ thể cho mình, tránh việc các chuyên gia và tình nguyện viên từ các nơi ồ ạt về chỗ thừa, chỗ thiếu, dẫm chân lên nhau, rối rắm thêm.        

Về việc an dân, xin hãy đối xử với những người bệnh một cách văn minh nhất có thể, xin đừng hụ còi, bắt loa phóng thanh, hãy bảo mật cho người bệnh và cư xử nhẹ nhàng nhất có thể. Hãy nhờ các chuyên gia tâm lý cố vấn để làm cách nào tốt nhất cho người bệnh và gia đình để họ đừng bị mang mặc cảm tội lỗi và hàng xóm xa lánh. 

Ngành y tế cả nước và thành phố phải có chiến lược, mục tiêu và kế hoạch cụ thể về phòng chống dịch cùng những mốc thời gian hoạch định rõ ràng, công bố cho toàn thể nhân viên y tế rõ để họ biết họ đang làm gì, tại sao làm và làm như thế nào, đạt mục tiêu gì, tránh hoang mang và suy diễn mỗi người một kiểu. 

Đó là tất cả những điều tôi mong muốn sao cho những ngày nặng nề nhất này của thành phố được nhẹ nhàng hơn.

PGS.TS Vũ Minh Phúc

Cách ly F1, F0 tại gia: Cách nào để không biến cả nhà thành ổ bệnh

Cách ly F1, F0 tại gia: Cách nào để không biến cả nhà thành ổ bệnh

Cách ly y tế F1 tại nhà là quyết định hết sức khó khăn của lãnh đạo ngành y tế TP.HCM. Là người từng ở vị trí quản lý và đưa ra những quyết định thay đổi táo bạo để cải cách, tôi hiểu điều này khó như thế nào.