Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ngày 25/6/2014. Hiện nay, các khu du lịch, điểm du lịch trong khu di sản đã thu hút một lượng lớn du khách nội địa và quốc tế đến tham quan, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ nông nghiệp sang dịch vụ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, theo số liệu thống kê của Sở Du lịch Ninh Bình, thời gian trước khi Tràng An trở thành di sản thế giới (từ 2010 đến 2014), lượng khách tham quan tăng trung bình 8,86%/năm, doanh thu tăng 14,49%/năm. Giai đoạn từ năm 2014 -2018, sau khi Tràng An trở thành di sản thế giới lượng khách tăng trung bình hàng năm là 14,95%, doanh thu tăng 36,19%/năm gấp gần 4 lần so với giai đoạn 2010 - 2014.
Trước khi Tràng An được công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, sinh kế của cộng đồng dân cư địa phương chủ yếu là canh tác nông nghiệp, bao gồm trồng cấy và chăn nuôi, một số ít hộ gia đình có nghề truyền thống, tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch hoặc làm thuê. Khi quần thể danh thắng Tràng An trở thành di sản thế giới, ngoài hoạt động nông nghiệp có thêm một bộ phận người dân, gia đình đã tham gia vào hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch hoặc làm thuê tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
Tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới với chủ đề "Di sản thế giới vì tự cường và phát triển bền vững" tổ chức tại tỉnh Ninh Bình, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhận xét quần thể danh thắng Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên. Đây chính là lý do vì sao UNESCO chọn Tràng An, cùng với 3 di sản khác trên thế giới để thí điểm một dự án về du lịch bền vững, nhằm tăng cường lợi ích cho cộng đồng ở địa phương, đặc biệt là cho phụ nữ.
Ông Bùi Văn Mạnh cho biết, qua nghiên cứu, tìm hiểu thực tế công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới gắn với phát triển du lịch và đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực di sản của Trung tâm Quản lý, bảo tồn di sản văn hóa Hội An tỉnh Quảng Nam và Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng tỉnh Quảng Bình, nhóm nghiên cứu rút ra một số bài học kinh nghiệm cho tỉnh Ninh Bình cụ thể như sau:
Một là, chính sách bảo tồn di sản dựa vào cộng đồng. Để thực hiện được chính sách này, cơ quan quản lý di sản thế giới Tràng An phải tạo được sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực di sản qua việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, các quy chế, quy định về quản lý di sản; nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, của từng cơ quan chức năng, các cấp chính quyền, của cả hệ thống chính trị trong việc giữ gìn, bảo tồn nguyên vẹn và sử dụng, phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa của nhân loại; nội dung văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, quy chế phải gắn thực tiễn đời sống của nhân dân với đảm bảo yêu cầu bảo tồn di sản, giải quyết hài hòa giữa lợi ích của cộng đồng dân cư với bảo vệ di sản để các quy chế, quy định thực sự đi vào đời sống nhân dân.
Hai là, phát triển kinh tế dựa trên nền tảng di sản. Di sản là nguồn tài nguyên vô giá, có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến tham quan, đây là trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế du lịch tỉnh Ninh Bình. Để phát huy thế mạnh của tài nguyên di sản hướng tới mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Ninh Bình cần phải có chiến lược phát triển du lịch phù hợp, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng lựa chọn những sản phẩm du lịch gắn với giá trị di sản; phát triển du lịch gắn với văn hóa cộng đồng và lợi ích của cộng đồng; nâng cao nhận thức, bảo vệ lợi ích, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư địa phương trong phát triển du lịch.
Ba là, nghiên cứu khoa học gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Nghiên cứu khoa học đóng vai trò quan trọng không những trong việc tăng cường hiệu quả công tác, nâng cao trình độ năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức viên chức mà còn có ý nghĩa to lớn trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Để gắn được hoạt động nghiên cứu khoa học với bảo tồn di sản các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình, đặc biệt là đơn vị trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về di sản thế giới Tràng An cần phải có chính sách quan tâm, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ có tâm huyết; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức tham gia nghiên cứu khoa học; có hình thức khen thưởng phù hợp, đúng đối tượng để động viên kịp thời các cá nhân có công trình nghiên cứu chất lượng, mang lại hiệu quả ứng dụng cao.
Bốn là, tăng cường học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế di sản. Kinh nghiệm phát triển kinh tế di sản trong nước và quốc tế là những bài học hữu ích cho địa phương. Thông qua các chương trình học tập kinh nghiệm giúp địa phương nhận thấy rõ những chỗ trống cần hoàn thiện, những công việc cần phải triển khai, trên hết là thay đổi cách nghĩ, cách làm và áp dụng phương thức quản lý mang lại hiệu quả mà không phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước. Và bài học kinh nghiệm cho thấy chìa khóa của thành công nằm ở hành động thực tiễn và những hỗ trợ tích cực từ cộng đồng. Để thực hiện được bài học này, các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình, nhất là đơn vị trực tiếp quản lý di sản thế giới Tràng An cần phải mở rộng giao lưu văn hóa thông qua các sự kiện nhằm giao lưu, chia sẻ các kinh nghiệm về bảo tồn, phát huy giá trị di sản; tăng cường hợp tác quốc tế để học tập kinh nghiệm, phương pháp và kiến thức chuyên sâu trong hoạt động bảo tồn các di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững.
Năm là, tăng cường công tác quản lý nhà nước. Các khu di sản tại Việt Nam thường có diện tích lớn, nhiều dân cư sinh sống, hoạt động bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội liên quan nhiều ngành, nhiều địa phương. Do đó, công tác quản lý nhà nước phải đặc biệt coi trọng. Các ngành, các địa phương cần chủ động tăng cường công tác quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực quản lý đồng thời thường xuyên phối hợp trong hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhất là trong công tác xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách và hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.