Đó là thực hiện nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng.
Tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, bộ “tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước. Bảo đảm nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng không trùng với nhiệm vụ quản lý; phân biệt và quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của các cấp lãnh đạo trong các loại hình tổ chức đảng, tránh tình trạng bao biện làm thay, hoặc tồn tại song trùng, hình thức.
Bộ máy Đảng song trùng bộ máy Nhà nước
Nghiên cứu những giải pháp của Tổng Bí thư, Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng, không thể không cảm thấy xúc động.
Ông Dũng kể, một lần cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời ông lên Hồ Tây để hỏi một câu: “Vấn đề lớn nhất của đất nước mình là gì?”. Ông Dũng, người có thời gian dài học tập ở Liên Xô cũng thẳng thắn trả lời: “Báo cáo với chú, vấn đề lớn nhất của Việt Nam là hai nhà nước trong một nhà nước. Bộ máy Đảng và bộ máy Nhà nước trùng nhau cùng tồn tại. Vậy thì bộ máy gấp đôi”.
Ông Dũng kể, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hiểu ngay nhưng vẫn đặt câu hỏi, “Vậy giải quyết như thế nào?”
Sau khi nghe ông Dũng nói về một số mô hình tổ chức trên thế giới, ông Kiệt nói: “Thế là đúng rồi. Tôi sẽ cố gắng thuyết phục để ban lãnh đạo nhận thức về vấn đề này”.
Hồi tưởng của ông Sĩ Dũng là không mới. Tổng Bí thư Tô Lâm đã viết gần đây: “So với những thay đổi to lớn của đất nước sau 40 năm đổi mới, sự phát triển của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những thành tựu khoa học công nghệ; tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển; tạo ra tâm lý “Nói không đi đôi với làm”.
Mô hình hệ thống chính trị ở nước ta được tổ chức từ thời chiến tranh thống nhất đất nước: trong chiến tranh, tất cả mọi người từ trên xuống dưới đều phải tuân theo mệnh lệnh.
Theo nhà nghiên cứu Hải Lộc, ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu đã từng tồn tại một hệ thống quản trị quốc gia bao gồm hai hệ thống song trùng là hệ thống tổ chức Đảng và hệ thống chính quyền Nhà nước.
Hệ thống cơ quan lãnh đạo Đảng có đầy đủ các cấp, tổ chức theo chiều dọc lẫn chiều ngang. Theo chiều dọc từ Trung ương đến cơ sở, ở đâu có chính quyền Nhà nước ở đó có tổ chức Đảng; còn theo chiều ngang như Ban Đối ngoại - Bộ Ngoại giao; Ban nông nghiệp Trung ương - Bộ Nông nghiệp; Ban Công nghiệp - Bộ Công nghiệp; Ban lãnh đạo bộ - Ban cán sự Đảng…
Bất kỳ cấp nào, ở đâu có cơ quan chính quyền Nhà nước, ở đó có cơ quan lãnh đạo Đảng.
Còn ở Việt Nam, khi công cuộc Đổi mới được bắt đầu, Đảng ta cũng làm rất nhiều việc, chẳng hạn giải thể một loạt các Ban mà chức năng quản lý trùng lặp với các cơ quan quản lý Nhà nước (Ban Nông nghiệp Trung ương; Ban Công nghiệp; Ban Tài mậu...). Đồng thời, Đảng ta đã đề ra mô hình quản trị quốc gia theo hướng: Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ và đều phải theo khuôn khổ của pháp luật.
Mô hình ba vế nêu trên là đúng đắn, rõ ràng.
‘Đảng lãnh đạo nhưng không làm thay Nhà nước’
Trong mấy thập niên qua, chúng ta đã từng bước hình thành và hoàn thiện hệ thống pháp luật áp dụng đối với hệ thống quản lý Nhà nước. Các văn bản pháp quy đã quy định rõ, mỗi nhánh quyền lực được làm những gì, không được làm gì. Chẳng hạn Quốc hội được ban hành Luật, Nghị quyết; Chính phủ được ban hành Nghị định, Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ được ban hành Quyết định, Chỉ thị…
Đối với hai vế còn lại vẫn còn khoảng trống về pháp lý dù Hiến pháp của nước ta ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam […] là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”; “Đảng Cộng sản Việt Nam […] chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”; “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật”.
Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII năm 2016 nêu rõ về khoảng trống này: “Sự phân định giữa vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước còn những nội dung chưa rõ; phương thức và cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước ở các cấp còn nhiều điểm chưa được chế định rõ và phù hợp với nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền”.
Đến năm 2017, để khắc phục tình trạng trên, Trung ương đã ban hành Nghị quyết 18, trong đó mô tả rõ: Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp...
Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý, mạnh mẽ và đồng bộ; còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt kết quả thấp; tỉ lệ người phục vụ cao, nhất là ở khối văn phòng; số lãnh đạo cấp phó nhiều;…
Cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế. Cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính chuyển biến chậm, không đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu.
Nguyên trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Thông cho rằng, trước hết, bản thân Đảng phải tự đổi mới mạnh mẽ cơ cấu tổ chức bộ máy của mình theo hướng tinh gọn và hiệu quả. Mạnh dạn khắc phục tình trạng bộ máy Đảng song trùng với bộ máy Nhà nước, chồng chéo chức năng, lẫn lộn trách nhiệm.
Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng, chính sách. Do vậy, cần đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng chiến lược, các định hướng chính sách của Đảng, đổi mới cách ra nghị quyết và đổi mới nội dung của nghị quyết. Nội dung nghị quyết của Đảng cần tập trung vào những vấn đề cơ bản, lâu dài, giải quyết những vấn đề trọng đại của đất nước, xử lý những vấn đề cụ thể nhưng có ý nghĩa chính trị quan trọng, quan hệ với nhiều tầng lớp xã hội, những vấn đề phức tạp trong quan hệ quốc tế.
Đảng lãnh đạo xã hội bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước. Do vậy, một mặt phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ bộ máy nhà nước theo các yêu cầu và tiêu chí của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Theo đó, bộ máy nhà nước phải được tổ chức tinh gọn, chuyên nghiệp hóa, nhằm thực hiện tốt chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mặt khác, phải tạo ra những chuyển biến thật sự tích cực trong mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước theo đúng phương châm: “Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng không làm thay Nhà nước”.
Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản PGS, TS. Lê Hải Bình cho rằng, bước vào thời kỳ mới với những tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ của tình hình trong nước, quốc tế diễn biến nhanh và khó lường, Đảng ta phải giải quyết một loạt các vấn đề để vừa phát huy vai trò, thẩm quyền và trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, vừa phát huy vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước theo luật định.
Cùng với đó, việc phân định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức đảng và cơ quan nhà nước cũng như thẩm quyền, trách nhiệm giữa tập thể lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức Đảng với người đứng đầu cơ quan Nhà nước cũng phải rõ ràng, ràng mạnh.
Tổ chức bộ máy của các cơ quan Đảng cũng phải được thiết kế, tổ chức một cách tinh gọn nhất, tránh chồng chéo, hoặc song trùng quyền lực giữa cơ quan của Đảng và Nhà nước.