Vì sao chuyện tiêu 500 triệu đồng bị phản ứng?
Chi tiêu gia đình - một vấn đề tưởng vụn vặt nhưng lại là mối quan tâm thiết thực của nhiều người. Mỗi gia đình có mức thu nhập khác nhau nên sẽ có những khoản chi tiêu khác nhau.
Theo ghi nhận, có những cặp vợ chồng trẻ chắt chiu, chỉ tiêu khoảng 40-50% trong tổng thu nhập khoảng 15-20 triệu đồng. Cũng có gia đình dù đã có nhà riêng, cả hai vợ chồng kiếm được khoảng 100 triệu đồng một tháng nhưng vẫn phải bỏ ra khoảng 60 triệu đồng để lo tiền học cho 4 đứa con, tiền ăn cho cả gia đình, các khoản xăng xe, điện nước…
Và như trường hợp mà gia đình chị Võ Thu H. (36 tuổi, sinh sống ở Hà Nội) lại bỏ ra tới 500 triệu đồng để chi tiêu cho gia đình 5 người trong một tháng.
Nhiều người cho rằng, con số này không có gì là quá cao nếu mức thu nhập và nhu cầu của gia đình chị H. cao, công việc kinh doanh phát triển. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến lại nhận định, chi tiêu như vậy là khá hoang phí.
Trao đổi với PV, chuyên gia tài chính Trần Nhật Nam phân tích, nguyên nhân khiến một số người phản ứng về việc chi tiêu 500 triệu đồng/tháng là hoang phí vì con số này cao hơn hẳn mức trung bình của các gia đình Việt Nam.
Đối với gia đình có tài chính khá giả, thu nhập hàng tháng lên tới cả tỷ đồng thì chi tiêu 150 - 200 triệu đồng/tháng đã là đầy đủ. Tuy nhiên, nếu họ có nhu cầu sử dụng các dịch vụ xa xỉ thì con số này có thể tăng thêm.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) thì cho rằng, trong chi tiêu gia đình, không thể đề ra một mức cụ thể cho tất cả các trường hợp. Mức chi tiêu mỗi gia đình sẽ khác nhau và phụ thuộc vào thu nhập của gia đình đó. Nếu thu nhập cao, đời sống của họ yêu cầu nhiều thì họ chi tiêu nhiều. Nếu thu nhập trung bình thì họ chỉ chi tiêu theo cách đủ để đảm bảo cuộc sống cơ bản.
Theo vị chuyên gia này, không thể nhìn về mặt con số để đánh giá gia đình nào đó chi tiêu hoang phí hay không. Cần phải căn cứ vào nhiều yếu tố như mức độ kiếm tiền, nhu cầu, nơi sống ở nông thôn hay thành thị, quan điểm hưởng thụ cuộc sống…
"Điều này cũng giống như việc chúng ta khó mà so sánh mức chi tiêu ở nông thôn hay thành thị. Bởi nhiều người dân sống ở nông thôn nghe mức tiền ăn, tiền học… ở thành phố đã giật mình thon thót", PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, ở những quốc gia có mức sống thấp, khi người dân có thu nhập cao lên thì nhu cầu chi tiêu sẽ tăng lên. Tuy nhiên, cũng có những người dù rất nhiều tiền nhưng họ lại có cuộc sống vô cùng đơn giản. Họ không cần đến những nhu cầu quá phức tạp.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh: "Chi tiêu được xem là hoang phí khi ta kiếm được ít nhưng lại tiêu nhiều. Đặc biệt sẽ hoang phí hơn nếu ta không sử dụng đúng và hết giá trị của sản phẩm hay dịch vụ mình bỏ tiền mua".
Chỉ nên tiêu tối đa 70% số tiền kiếm được
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, một người tiêu dùng thông minh sẽ luôn đề ra kế hoạch chi tiêu để kiểm soát túi tiền của mình. Bởi nếu giữ thói quen chi tiêu ào ào, không tính toán thì sẽ không tránh khỏi tình trạng "miệng ăn núi lở".
"Nhiều người giàu không chỉ vì họ kiếm được nhiều tiền mà còn bởi họ biết cách tiêu tiền hợp lý. Hiện nay có rất nhiều phần mềm quản lý chi tiêu miễn phí. Các gia đình có thể tham khảo các phần mềm này để vạch ra kế hoạch chi tiêu phù hợp với mình", vị chuyên gia này nói.
Ngoài việc lập kế hoạch chi tiêu, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cũng gợi ý, mỗi người nên tránh việc mua hàng theo phong trào, theo cảm xúc. Nhiều người có thói quen mua sắm hoàn toàn thụ động và thường không thể cưỡng chế lại ham muốn khi ghé vào các cửa hàng thời trang, siêu thị hay trung tâm thương mại. Nhiều người mua những món hàng mà thậm chí cả tháng, cả năm sau họ vẫn chưa dùng tới.
Việc mua sắm ngày một đơn giản. Chỉ với một cú click chuột hay vài thao tác chuyển khoản, người mua đã thực hiện xong giao dịch với người bán. Vậy nên, mỗi người càng phải tỉnh táo và biết cách chi tiêu thông minh. Không nên để bị dụ dỗ bởi những lời quảng cáo hay các loại phiếu giảm giá.
Trước khi quyết định mua sắm một vật dụng gì đó nên kiểm kê lại những món đồ mình đang có và đánh giá xem món đồ kia có thực sự cần thiết hay không.
Gợi ý về cách chi tiêu thông minh, chuyên gia tài chính Trần Nhật Nam nêu quan điểm: "Mỗi tháng, các gia đình chỉ nên tiêu tối đa 70% số tiền kiếm được trên tổng thu nhập. Nếu có thu nhập cao hơn thì bỏ ra khoảng 30% để chi tiêu là đã đảm bảo cho cuộc sống".
Ông Nam lấy một ví dụ, nếu hai vợ chồng mỗi tháng kiếm được 300 triệu đồng thì chỉ nên tiêu 100 triệu đồng, phần còn lại nên dành tiết kiệm hoặc đầu tư.
Chi tiêu thông minh là biết cách tiết kiệm
Chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhận định, xã hội hiện nay, những gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, thu nhập 40-50 triệu đồng có thể chi tiêu thoải mái.
Ngoài ăn uống, lo học hành cho con cái, họ có thể vẫn còn dư đi du lịch, mua sắm… Tuy nhiên, những gia đình có mức thu nhập chỉ 15-20 triệu thì phải tính toán kỹ lưỡng vì trong bối cảnh "bão giá" như hiện nay, mức tiền đó không thấm tháp gì.
"Đặc biệt, hiện có khoảng 60% người dân có mức thu nhập thấp như công nhân, người làm thuê… Họ chỉ kiếm được 5 triệu đồng một tháng, tăng ca, tăng giờ thì được thêm 2 triệu đồng…. Có những người làm 40 năm nhưng lương hưu chỉ được 3,7 triệu đồng… Những cá nhân như vậy, tiêu gì, ăn gì lại càng phải cân nhắc", ông Phú cho hay.
Nhắc đến câu chuyện tiêu dùng thông minh, vị chuyên gia này vẫn mong muốn rằng những người giàu, người ở tầng lớp trung lưu cần chi tiêu hợp lý, tránh tình trạng ăn tiêu lãng phí dẫn đến phá giá thị trường. Nếu dư tiền thì có thể dùng một phần để làm phúc lợi xã hội, giúp đỡ những người khó khăn.
Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, chỉ số giá tiêu dùng tính riêng tại Hà Nội đã tăng khoảng 3% trong 5 tháng. Trên thị trường, các mặt hàng tăng từ 5%-30%, có mặt hàng tăng gấp đôi trong mấy tháng nay.
Chính vì vậy, nếu chỉ có mức thu nhập vừa phải hoặc thấp thì cách tiêu dùng thông minh nhất vẫn là tiết kiệm. Người dân chỉ nên mua sắm, chi tiền vào những nhu cầu cơ bản, thật cần thiết, cần tính toán đến một khoản dự phòng lúc ốm đau hoặc khi có công việc đột xuất.
Theo Dân trí