Với sự nghiệp âm nhạc kéo dài hơn 60 năm, Bob Dylan trở thành một nhân vật quan trọng trong nền văn hoá đại chúng. Các bài hát của ông được hàng triệu người trên thế giới yêu thích xuyên suốt nhiều thập kỷ.
Ngoài vai trò ca sĩ, ông cũng là một nhạc sĩ nổi tiếng. Phong cách viết phỏng theo giai điệu và ca từ âm nhạc dân gian của Bob Dylan được công nhận rộng rãi. Đỉnh điểm là giải thưởng Nobel Văn chương 2016.
Tuy nhiên, nhiều người tự hỏi việc vinh danh huyền thoại âm nhạc trong tư cách một người đóng góp to lớn cho văn chương liệu có đi quá xa so với tiêu chí của giải thưởng. Quyết định này của Viện Hàn lâm Thuỵ Điển có bất công đối với những nhà văn khác?
Sự nghiệp sáng tác đồ sộ
Robert Allan Zimmerman sinh ngày 24/5/1941 tại Duluth, Minnesota (Mỹ), trước khi chuyển đến Hibbing. Ông lấy nghệ danh Dylan theo tên nhà thơ xứ Wales Dylan Thomas, người đã ra mắt những bài thơ nổi tiếng và có ảnh hưởng đáng kể đến các phong trào văn hóa phản kháng ở Mỹ.
Khi còn là học sinh tại trường trung học Hibbing, Dylan biểu diễn trong nhiều ban nhạc khác nhau, hát lại các bài rock n’ roll của Elvis Presley và Little Richard. Năm 1959, ông đăng ký học tại Đại học Minnesota và lần đầu tiên tiếp xúc với âm nhạc dân gian Mỹ. Tại đây, ông bắt đầu biểu diễn dòng nhạc dân gian dưới cái tên Bob Dylan.
Sau thời gian ngắn ngủi, ông bỏ học và chuyển đến New York, bắt đầu tham gia vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Năm 1962, Bob Dylan phát hành album đầu tay trùng tên với nghệ danh, bao gồm 2 bài tự sáng tác.
Album tiếp theo mang tên The Freewheelin' Bob Dylan (1963), có các bài hát phản kháng chính trị do Dylan sáng tác, bao gồm Oxford Town và Blowin' in the Wind, trong khi A Hard Rain's a-Gonna Fall dường như là tiên đoán về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.
Yếu tố chính trị trong sáng tác và tính cách của Dylan cũng được thể hiện trong album thứ 3, The Times They Are a-Changin' (1964). Ông tham gia vào phong trào Dân quyền Mỹ.
Dylan không chỉ là thiên tài sáng tác mà còn có sở trường liên tục đổi mới bản thân trong suốt sự nghiệp. Album tiếp theo, Another Side of Bob Dylan, là một sản phẩm nhẹ nhàng hơn, ấn tượng hơn, đánh dấu sự thay đổi có tính bước ngoặt so với những album trước.
Kể từ đó, Dylan duy trì khả năng sáng tác cho đến ngày nay. Ông liên tục thay đổi âm nhạc của mình, đa dạng về phong cách và thể loại, cả nhạc điện tử, blues, country, rock và American folk.
Sự phẫn nộ trong giới văn học
Ngày 13/10/2016, khi Viện Hàn lâm Thuỵ Điển thông báo Bob Dylan sẽ được trao giải Nobel Văn chương, nhiều người đã phẫn nộ. Họ cho rằng Viện dành đặc quyền cho một ca sĩ, nhạc sĩ hơn một nhà văn thông thường.
Tiểu thuyết gia Rabih Alameddine so sánh việc Dylan được trao giải Nobel Văn chương với “Mrs. Fields được trao 3 sao Michelin” và lên án gay gắt rằng việc này cũng “gần ngớ ngẩn như Winston Churchill” nhận giải thưởng danh giá vào năm 1953 nhờ tác phẩm tiểu sử và bài diễn thuyết của chính ông.
Trong khi đó, tiểu thuyết gia nổi tiếng Jodie Picoult nói rằng bà “vui mừng cho Dylan”, mặc dù sau đó lại nhận xét này bằng câu hỏi mỉa mai: “#ButDoesThisMeanICanWinAGrammy?” (tạm dịch: Nhưng chuyện này có giúp tôi giành được giải Grammy không?)
Tương tự, tác giả truyện kinh dị Jason Pinter hỏi một cách hài hước liệu giải Nobel của Dylan có nghĩa là nhà văn Stephen King “có thể được bầu vào đại sảnh danh vọng Rock N' Roll hay không?”.
Tiểu thuyết gia, nhà báo Hari Kunzru đặt câu hỏi: mục đích của giải Nobel Văn chương chủ yếu là để khen thưởng sự xuất sắc của nhà văn hay là nâng cao danh tiếng của những người nhận giải?
Những tiếng nói ủng hộ
Tuy nhiên, một số nhà văn khác lại ủng hộ vinh dự được trao vào năm 2016 cho Dylan. Stephen King tuyên bố mình “ngây ngất” trong khi nữ tiểu thuyết gia người Mỹ Joyce Carol Oates cho rằng đây là một “sự lựa chọn độc đáo và đầy cảm hứng”.
Ngoài ra, tiểu thuyết gia Salman Rushdie còn ca ngợi cả Viện Hàn lâm Thuỵ Điển và Dylan, “ranh giới văn học ngày càng mở rộng và thật thú vị khi Giải Nobel công nhận điều đó”. Ông cũng nói Dylan là người kế thừa xuất sắc của truyền thống thơ ca, ranh giới giữa bài hát và thơ ca luôn nhạt nhoà.
Sara Danius, người phụ nữ đầu tiên từng lãnh đạo Viện Hàn lâm Thụy Điển, đã trao giải Nobel cho Dylan “vì tạo ra những cách thể hiện thơ mới trong âm nhạc truyền thống vĩ đại của Mỹ”.
Danius trích dẫn các nhà thơ Hy Lạp cổ đại Homer và Sappho, cả hai đều sáng tác “những bài thơ để lắng nghe, biểu diễn, thường là cùng với các nhạc cụ”. Cũng giống như “chúng ta vẫn đọc Homer và Sappho”, Danius tuyên bố rằng tác phẩm của Dylan “có thể đọc và nên đọc”. Bà trích dẫn album Blonde on Blonde năm 1966 của Dylan như một ví dụ điển hình cho cả tài năng xuất sắc về phương diện hình thức cũng như “tư duy hình ảnh” của ông.
Cần lưu ý rằng Dylan đã xuất bản hồi ký và một tập thơ. Ngoài ra, người đoạt giải Nobel Văn chương 2017, Kazuo Ishiguro, là một fan hâm mộ Bob Dylan, cũng từng viết các bài hát trước khi chuyển tài năng của mình sang tiểu thuyết văn xuôi.
Tất nhiên, các nhạc sĩ đồng nghiệp rất vui mừng trước tin này. Ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Anh Robyn Hitchcock chúc mừng chiến thắng và đóng góp nghệ thuật của Dylan. Ca sĩ kiêm nhạc sĩ, nhà thơ và người viết hồi ký Patti Smith đã biểu diễn A Hard Rain’s A-Gonna Fall tại lễ trao thưởng không có sự xuất hiện của nhân vật chính.
Phản hồi của Bob Dylan
Việc trao giải Nobel Văn học 2016 cho Dylan chắc chắn gây tranh cãi. Ông không đưa ra phát ngôn gì trong vài ngày sau thông báo. Cuối cùng, ông phá vỡ sự im lặng sau khi được nhà báo Edna Gundersen phỏng vấn trực tiếp.
Dylan mô tả vinh dự này là điều “tuyệt vời” và “đáng kinh ngạc”, trước khi nói “Thật khó tin… Ai lại mơ về điều gì đó như thế?”.
Song Dylan không trực tiếp tham dự lễ trao thưởng do “đã có những lịch trình từ trước”. Ngày 2/4/2017, Danius xác nhận Dylan có mặt trong một buổi lễ riêng để nhận phần thưởng danh giá.
Việc Bob Dylan được trao giải Nobel Văn chương chắc chắn không phải là lựa chọn đáng ngạc nhiên hay gây bất ổn nhất từ trước đến nay. Có lẽ Stephen King đã đúng khi cho rằng chiến thắng của Dylan là một “điều tuyệt vời và tốt đẹp trong một mùa giải buồn tẻ”. Thậm chí, xét trên bất kỳ phương diện nào, mức độ gây tranh cãi khi đoạt giải Nobel Văn chương của Dylan cũng không thể vượt qua Peter Handke vào năm 2019.
Khi được hỏi liệu Dylan có xứng đáng đoạt giải Nobel Văn chương hay không, câu trả lời của Sara Danius rất đơn giản: “Ồ, tất nhiên là ông ấy xứng đáng. Ông ấy vừa nhận được nó”.
Song sự phẫn nộ xung quanh giải thưởng Nobel Văn chương 2016 cho thấy sự xứng đáng của huyền thoại âm nhạc người Mỹ không quá hiển nhiên như Danius muốn ngụ ý.
Bob Dylan trình diễn bài hát 'Knockin' on Heaven's Door' do chính ông sáng tác: