“Dù phía Nga tuyên bố rằng việc họ tấn công đoàn tàu trên là vì nó chở theo hàng trăm binh sĩ Ukraine và các trang thiết bị quân sự, nhưng theo một số phóng viên có mặt tại hiện trường kể lại thì không có dấu hiệu cho thấy lính Ukraine nằm trong số người thiệt mạng. Nếu như dân thường là mục tiêu của vụ tấn công đó, thì đây có thể được coi là một hành vi nghiêm trọng về mặt pháp luật và đạo đức”, hãng tin AP dẫn lời giáo sư Jennifer Trahan làm việc tại Đại học New York cho hay.
“Ga tàu hỏa vốn là một công trình dân sự, và không nên được coi là mục tiêu cho vụ tấn công”, bà Trahan nói thêm.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga hôm 26/8 đã thừa nhận họ thực hiện vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo Iskander vào tàu hỏa quân sự ở miền đông Ukraine khiến cho 200 binh sĩ thiệt mạng và 10 trang thiết bị quân sự bị phá hủy. “Đoàn tàu quân sự bị phá hủy đang trên đường tới các khu vực giao tranh ở vùng Donbass, nơi chúng tôi đang cố kiểm soát hoàn toàn”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo Ukraine sau đó đã phản bác tuyên bố trên và nói rằng ít nhất 25 dân thường thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương do vụ tấn công.
Hungary bác bỏ trừng phạt năng lượng Nga
“Chúng tôi từ chối đàm phán về bất kỳ lệnh hạn chế nhằm vào năng lượng Nga được Liên minh châu Âu (EU) áp đặt, do hiện không có nguồn thay thế nào cho dầu mỏ và khí đốt từ Moscow. Chính sự dũng cảm từ Chính phủ Hungary đã giúp Budapest chống đỡ lại áp lực từ Brussels”, hãng tin RT dẫn lời Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nói hôm 27/8.
“Không có nền an ninh năng lượng nào cho châu Âu mà lại không sử dụng tới các nguồn từ Nga. Khí đốt Nga không thể bị thay thế bởi một nguồn nào khác trong tương lai gần”, ông Szijjarto nhấn mạnh.
Theo Ngoại trưởng Hungary, chính “phần lớn các đòn trừng phạt sai lầm nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine là một trong những yếu tố khiến tỷ lệ lạm phát tăng chóng mặt, cũng như góp phần vào một cuộc suy thoái xảy ra trên toàn cầu”.