Sáng 19/6, vấn đề nhà ở xã hội được nhiều ĐBQH quan tâm trong phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
ĐB Nguyễn Văn Hiển (Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp - đại biểu Lâm Đồng) nêu rõ chính sách về phát triển, quản lý nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê - mua là một nhóm chính sách quan trọng. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa thể hiện trúng, xử lý đúng vướng mắc trong thực tiễn.
Dự thảo luật đang đi theo hướng cố gắng bảo đảm cho người có thu nhập thấp và đối tượng chính sách được hưởng sở hữu nhà ở xã hội thay vì bảo đảm cho người dân có quyền có chỗ ở hợp pháp.
Ông nói, chính sách và điều khoản trong dự thảo luật nhà ở dường như đang hướng tới mục tiêu cho người dân có quyền sở hữu nhà ở xã hội, nhưng thực tế người có thu nhập thấp, nhất là tại các đô thị chủ yếu công nhân, người mới đi làm có thu nhập thấp.
"Nhà ở là tài sản quá lớn, quá sức với đại bộ phận người có thu nhập thấp, vì vậy việc mua, sở hữu một căn hộ, dù là nhà ở trả góp cũng là gánh nặng tài chính quá lớn.
Do vậy, nếu cứ gắn mục tiêu này sẽ dẫn đến hệ quả người dân khai man các điều kiện như thu nhập, diện tích để hưởng lợi mua nhà ở xã hội giá thấp hoặc người có tiền mượn tên công nhân mua đăng ký dẫn tới đầu cơ, làm cho nhà ở xã hội không phục vụ đúng đối tượng, mất ý nghĩa", ĐB Hiển phân tích.
Bất cập thứ hai, theo ông Hiển là không tách bạch phát triển nhà ở xã hội với quản lý, vận hành nhà ở xã hội. Quá chú trọng đến ưu đãi cho bên cung (nhà đầu tư) hơn là ưu đãi cho bên cầu (người có thu nhập thấp). Theo đại biểu, dù chủ đầu tư vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn vào bức tranh chung vẫn thấy sự chênh lệch giữa ưu đãi bên cung và bên cầu.
Ông Hiển cũng đặt vấn đề, nên chăng có quy định tách riêng về nhà giá rẻ với nhà ở xã hội, vì nhà giá rẻ có thể mua, cho thuê và bản chất là nhà thương mại, quan hệ xã hội thì chỉ nên để cho thuê. Có như vậy người dân, nhất là người có thu nhập thấp ở đô thị mới có hy vọng tiếp cận nhà ở xã hội.
ĐB Nguyễn Lâm Thành (Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc - đại biểu Thái Nguyên) đánh giá cao cơ quan soạn thảo và Chính phủ đã có sự chuẩn bị tốt cho dự thảo luật lần này. Ông đề nghị viết lại theo chuẩn nghĩa tiếng Việt hơn về khái niệm nhà ở xã hội "là nhà ở dành cho đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước về nhà ở theo quy định của pháp luật".
Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2025 nêu phát triển và mở rộng loại hình nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân các KCN, tạo điều kiện khuyến khích thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường cho đối tượng chính sách xã hội.
Do vậy, ĐB Nguyễn Lâm Thành đề nghị dự thảo luật cần làm rõ nội dung chính sách cho từng loại hình đối tượng, đáp ứng yêu cầu chung. Trong đó cần xác định đúng, thống nhất nội hàm nhà ở xã hội. Ông cũng đề nghị mở rộng hơn khái niệm nhà ở xã hội.
"Cần tránh quan niệm bất thành văn nhà ở xã hội là cho đối tượng loại 2, giá rẻ đi cùng chất lượng kém, không đảm bảo điều kiện sử dụng cho người dân, cũng như đã tồn tại ở một số dự án thời gian qua và nhất là với vấn đề nhà ở tái định cư gây bức xúc trong dư luận", ông phân tích.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, quyền có chỗ ở an toàn tốt hơn luôn là nhu cầu chính đáng của mọi tầng lớp trong xã hội, "nên chăng đưa khái niệm nhà giá thấp thay cho nhà giá rẻ trong tiếp cận, xây dựng chính sách" để thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở, cả xã hội và thương mại.
Trong đó, Nhà nước sử dụng công cụ thuế, tín dụng, hỗ trợ đầu tư từ ngân sách, chính sách đất đai để bù vào giá trị cần đầu tư tăng thêm trên nguyên tắc kinh tế thị trường để giảm giá bán, giá thuê nhà cho đối tượng chính sách và coi đây là nguồn vốn đầu tư cho an sinh xã hội.
Dự thảo luật đã đề cập đến vấn đề này nhưng ĐB tỉnh Thái Nguyên cho rằng cần làm sâu sắc thêm.