Chị H.T (28 tuổi) chia sẻ bản thân mình đã từng tự tìm đến một bác sĩ tâm lý sau khi sinh con thứ hai được vài tháng và đối mặt với trầm cảm. Chị lo sợ bản thân mình không kiểm soát được hành vi và có thể hại con. Theo người phụ nữ này, ngay khi sinh con đầu lòng, chị đã ròng rã thức đêm vì con khóc. Trong đầu chị lúc nào cũng văng vẳng tiếng khóc của con và không muốn nghe âm thanh ấy.
"Tôi muốn kết thúc cuộc sống của con vào một lần khi cho con bú. Tôi dùng chính bầu vú của mình để làm ngạt con”, chị H.T chia sẻ với bác sĩ. May mắn hành vi của chị chưa gây ra hậu quả đau lòng. Tuy nhiên, khi bác sĩ thông báo tình trạng của chị với chồng nhưng người này không tin. Người chồng khẳng định vợ mình hoàn toàn bình thường, nhất quyết không cho vợ nằm viện.
Các bác sĩ cũng gặp không ít trường hợp mẹ quá stress vì con quấy khóc đêm đã từng quăng con mạnh xuống giường nhiều lần, thậm chí có người mẹ sau sinh rạch tay tự tử, rạch bụng tự sát hoặc dọa tự tử.
Theo các chuyên gia, tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao như đã từng bị trầm cảm, gia đình có người trầm cảm hoặc gặp vấn đề tâm lý khác… Trầm cảm sau sinh có tỷ lệ tái phát cao từ 25-68%. Khoảng 20% các bà mẹ bị trầm cảm sau sinh cần phải can thiệp chuyên môn, nếu không có thể dẫn tới nhiều trường hợp đáng tiếc.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, việc khám sàng lọc sức khỏe tâm thần cho phụ nữ mang thai được đề cập trong Kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân TP.HCM giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo, do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký ban hành.
Chương trình này đặt ra một số mục tiêu như, đến năm 2025, 90% người dân TP.HCM nhận biết và dự phòng, phát hiện và can thiệp sớm các vấn đề rối loạn tâm thần; 60% quận huyện và TP Thủ Đức có cơ sở y tế thực hiện chẩn đoán, điều trị, quản lý cấp thuốc cho người bệnh trầm cảm; đến năm 2030, 100% bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế quận huyện cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần...
Quá trình triển khai, thành phố sẽ thực hiện công tác dự phòng, tầm soát phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần trong cộng đồng. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho người dân, thành phố sẽ tổ chức sàng lọc, phát hiện sớm vấn đề sức khỏe tâm thần ở cộng đồng, trong học đường, nhân viên y tế và với người mẹ ở giai đoạn mang thai - hậu sản.
Riêng với đối tượng phụ nữ mang thai và hậu sản, ngành y tế sẽ tổ chức khám sàng lọc sức khoẻ tâm thần, lồng ghép nội dung sức khỏe tâm thần vào chương trình giáo dục cho sản phụ, giúp sản phụ và người nhà phát hiện kịp thời các dấu hiệu nguy hiểm của rối loạn tâm thần.
Bên cạnh đó, hướng dẫn các bà mẹ có tinh thần lạc quan, tránh tình trạng trầm cảm lúc mang thai và sau khi sinh con, tương tác tốt với trẻ trong và sau thai kỳ.
Kế hoạch về chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân TP.HCM đã được các chuyên gia trong lĩnh vực này của thành phố xây dựng, Sở Y tế tổ chức lấy ý kiến đóng góp và điều chỉnh. Tháng 7, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã có tờ trình đề nghị UBND TP ban hành kế hoạch này.
Tổ chức Y tế Thế giới nhận định sức khỏe tâm thần là một trong những lĩnh vực sức khỏe cộng đồng bị bỏ quên nhiều nhất, đặc biệt cấp thiết trong giai đoạn sau khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
Năm 2022, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM tiếp nhận tổng cộng 170.000 lượt khám bệnh, trung bình từ 800-1.000 lượt khám/ngày. Trong đó, các rối loạn lo âu và rối loạn khí sắc chiếm tỷ lệ cao nhất, tương đương 35,67% và 24,95%.
Còn trên thế giới, năm 2019, ước tính 970 triệu người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó 82% tập trung ở các nước có mức thu nhập trung bình thấp.