Cha mẹ, anh chị bỏ chạy.
Đứa trẻ bị nhốt một mình trong phòng tối, cửa khóa trái.
Một tiếng cười quỷ dị vang lên.
Tất cả phản ứng như hốt hoảng, sợ hãi, la hét, đập cửa, khóc lóc, van xin của đứa trẻ đều được quay lại. Người lớn đứng bên ngoài cánh cửa thích thú, cười khúc khích vì sắp có một clip "hài hước" chia sẻ lên TikTok.
Những ngày gần đây, nhiều người dùng mạng xã hội Việt Nam đã không còn xa lạ gì với loạt clip dọa ma trẻ nhỏ như thế này. Chúng phổ biến đến mức trở thành "trào lưu" trên TikTok với tên gọi riêng, Pontianak.
Một số clip có lượng tương tác cao, lên xu hướng với cả triệu lượt xem như đoạn video của tài khoản @_giangxinhhh (1,3 triệu lượt thích), @_nganhin_ (366.000 lượt thích), @hoangbatstrisp (1,8 triệu lượt thích), @hoangchienthan999 (325.000 lượt thích).
Trong đó, clip của tài khoản @hoangbatstrisp được TikTok đề xuất trong phần top video xu hướng vào ngày 16/8. Một khi clip được lên xu hướng đồng nghĩa với việc clip đó sẽ được nền tảng này ưu tiên hiển thị trong mục “dành cho bạn” với nhiều người dùng hơn.
Ở phần bình luận, không ít người thể hiện sự thích thú và bày tỏ ý định sẽ theo trend này.
"Chắc chắn phải cho đứa em thử quả này", "Sẽ lưu âm thanh này lại để trêu mấy đứa nhỏ trong nhà".
Số khác thậm chí còn chia sẻ kinh nghiệm hù dọa thành công: "Tắt đèn đi, độ kinh dị tăng thêm 1.000 lần", "Mở âm thanh lên cực đại thì có mà khóc ré"...
Ngược lại, nhiều tài khoản chỉ trích những người quay clip đang dùng nỗi sợ, tiếng khóc của con trẻ để làm nội dung "câu like" trên mạng xã hội.
"Không hiểu nổi tại sao thứ nhảm nhí này lại có thể trở thành trào lưu", "Đừng nghĩ đơn giản quay video để cho vui, chỉ vài giây như vậy thôi nhưng các bé có thể bị ám ảnh cả đời"... là những bình luận phản đối.
Ngày 15/8, một bài đăng với nội dung cảnh báo về trào lưu được nhiều người chia sẻ trên Facebook. Chủ nhân bài đăng, chị Nguyễn Dương, phụ huynh có con nhỏ, kể rằng con mình đã bị ảnh hưởng tâm lý sau khi bị người lớn trong nhà hù dọa, quay clip theo cách này.
Người này cho biết gia đình đã đón vài họ hàng tới chơi, trong đó có một em trai 16 tuổi. Thấy người em này yêu quý con mình, chị yên tâm giao con, đi làm việc nhà.
"Bẵng đi một lúc, đột nhiên nghe tiếng con khóc ré lên, chạy lên tầng thì thấy em trai đang đứng bên ngoài cười khoái chí, tay thì giữ lấy tay nắm cửa, con mình thì ở trong phòng khóc thảm thiết. Lúc này, mình hốt hoảng, gạt tay em ấy ra để lao vào phòng với con. Con thấy mình thì khóc loạn lên nhào vào lòng mẹ, miệng liên tục nói 'ma ma', tay chỉ vào phòng".
Khi được hỏi, người em này chỉ giải thích đơn giản "Em đùa cháu tí thôi" rồi up clip phản ứng của em bé lên TikTok.
"Đến tối con bị sốt. Đêm thì ngủ mê man vừa khóc vừa run rẩy nói mớ... Cả đêm hai mẹ con ôm nhau chặt cứng mà vẫn không yên được, mãi tới sáng con mới ổn hơn nhưng vẫn cứ sợ căn phòng mà hôm qua bị đưa vào trêu. Ai còn đang hứng thú với trend này thì dừng ngay lại đi nhé, không hay một chút nào đâu!", người này viết.
Ngớ ngẩn và vô cảm
Được hưởng ứng nhiệt tình bởi người dùng TikTok ở Malaysia, Singapore và cả Việt Nam, nhưng trào lưu này hiện bị cảnh báo và chỉ trích bởi các bác sĩ, chuyên gia tâm lý.
Nhiều ý kiến cho rằng Pontianak không chỉ là một trò chơi khăm bình thường vì có thể ảnh hưởng xấu đến tâm lý, tinh thần trẻ em. Việc phụ huynh lợi dụng nỗi sợ của con trẻ để quay clip, "ăn theo" trào lưu trên mạng có thể gây ra những tác hại khôn lường trong tương lai.
Âm thanh gốc trong trào lưu Pontianak được tải lên bởi một người dùng TikTok có tên @solehudin1294. Hiện tại, đoạn âm thanh đáng sợ này được sử dụng trong gần 385.000 clip người lớn dọa ma trẻ em.
Tại Việt Nam, dễ dàng tìm ra các clip này với từ khóa "dọa ma trẻ em", "dọa ma con trai", "bố mẹ dọa ma con và cái kết" trên TikTok.
Một số biến tướng khác, có hình thức tương tự, là cháu dọa ma ông bà già, con dọa ma cha mẹ.
Trên thế giới, nhiều clip thuộc về các ngôi sao TikTok như Naomi Neo (Singapore, có 1,6 triệu follower) và @fctorreb (Philippines, có 72.000 người theo dõi).
Trong vòng hai ngày, clip do @fctorreb đăng tải đã có hơn 4,8 triệu lượt xem và 1 triệu lượt thích.
Còn clip dọa ma con trai 4 tuổi của Neo và chồng cô hiện có hơn 2,3 triệu lượt thích.
Trong đoạn video mà Neo đăng tải, có thể thấy con trai cô, Kyzo, đang tò mò nhìn chằm chằm vào điện thoại khi bố mẹ cậu bé dần lùi ra xa tầm nhìn và đóng sập cửa lại.
Sau vài giây bối rối, Kyzo trở nên hoảng sợ và bắt đầu khóc. Khi nghe thấy âm thanh dọa ma rùng rợn phát ra từ chiếc điện thoại, cậu bé cố hết sức mở cửa nhưng không thành.
Trong khi một số tỏ ra thích thú, thậm chí đề nghị Neo quay thêm clip tương tự, số khác cảm thấy tội nghiệp cho Kyzo và chỉ trích vợ chồng Neo hành động "ngớ ngẩn, vô cảm".
"Tôi có thể nghe thấy tiếng hét của cậu bé. Làm thế nào bạn có thể cười cợt khi con khóc và sợ hãi đến như vậy?", một người bình luận.
Một người khác lo ngại viết: "Đây không phải là một 'trò đùa' vui nhộn, điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của một đứa trẻ và dẫn đến chấn thương".
Một phụ nữ đã chia sẻ trải nghiệm tương tự khi bị mẹ nhốt trong phòng khi cô lên 3, nói thêm rằng khi trưởng thành, cô vẫn phải "đánh thức chồng vào lúc nửa đêm để cùng đi vệ sinh vì quá sợ bóng tối".
Một người khác chia sẻ hiện cô vẫn còn "tổn thương" vì sự cố cách đây 44 năm khi cha mẹ để cô lại một mình trong phòng.
Tổn thương tâm lý
Trước sự lan truyền của trào lưu, nhiều chuyên gia kêu gọi các bậc cha mẹ ngừng tái diễn trò chơi khăm "độc ác" vì cho rằng nó có thể gây tổn thương tâm lý và tình cảm lâu dài cho trẻ em.
Nanasilayro, nhà sáng tạo nội dung người Philippines với 4 triệu người theo dõi trên TikTok, đã đăng clip chỉ trích xu hướng và chia sẻ lý do chơi khăm trẻ em theo cách này "để có nội dung" là ý tưởng rất tồi.
"Điều này là không ổn. Tôi không chắc liệu mọi người có nhận thức được hậu quả của xu hướng này hay không", Nanasilayro, người tự nhận là một nhà giáo dục mầm non, cho biết.
"Thật sự rất buồn khi thấy mọi người làm điều đó để quay clip. Đừng bao giờ làm như vậy. Rất nhiều chuyện không hay có thể xảy ra trong vài giây khi bạn để đứa trẻ ở một mình trong phòng".
Theo tiến sĩ Bess de Guia, chuyên gia tư vấn tâm lý tại chức y tế Philippines The Medical City (TMC), việc khơi dậy nỗi sợ hãi quá mức ở trẻ em có thể gây ra những vết thương tâm lý về lâu dài.
Một trò đùa tưởng như vô hại. Tuy nhiên, nếu nỗi sợ phát triển, những đứa trẻ bị tổn thương có thể gặp các vấn đề như ám ảnh, rối loạn lo âu, rối loạn căng thẳng sau chấn thương và các cơn hoảng loạn.
Nhà tâm lý học Eileen Kennedy-Moore chỉ trích các bậc cha mẹ đang cố tình dọa ma trẻ em chỉ vì lượt thích trên mạng xã hội.
"Đừng làm cho con trẻ khó chịu mà không có lý do chính đáng hay chỉ đơn giản là mục đích giải trí trên mạng. Các bậc cha mẹ không nên gieo rắc nỗi sợ hãi cho con cái vì điều đó có thể trở thành một chu kỳ lạm dụng tình cảm. Nỗi sợ hãi thời thơ ấu có thể tiếp tục bị đem ra chế nhạo khi trẻ trưởng thành".
Đối với trẻ nhỏ dễ lo lắng, hoảng sợ, việc bị người lớn bỏ rơi trong những tình huống căng thẳng có thể khiến chúng mất lòng tin vào cha mẹ và luôn trong trạng thái bất an sau này.
"Tôi là bác sĩ tâm lý trẻ em và nhận thấy những điều này có thể gây tổn thương cho trẻ. Cha mẹ là những người phải bảo vệ con mình. Nhưng con cái sẽ cảm thấy như thế nào nếu bạn bỏ chạy và cười phá lên trong khi chúng bị tấn công bởi một kẻ lạ mặt. Điều này rất đau lòng", bác sĩ tâm lý Kali Hobson nói về các trào lưu hù dọa trẻ em trên TikTok.
Theo Zing