Trong dịp nghỉ lễ, nhiều người tranh thủ detox cơ thể. Trên mạng xã hội, mọi người chia sẻ trào lưu thử thách bản thân bằng uống nước cốt chanh.
Một người tên H. cho biết, ban đầu, chị uống nước cốt chanh pha với nước ấm, muối. Sau đó, chị H. uống một bát nước cốt vắt từ 3 quả chanh sau khi thức dậy. Có những người còn uống liền một lúc 20 quả chanh tươi vắt lấy nước cốt.
Vào buổi sáng, chị H.N.T. (TP.HCM) uống nước cốt chanh lấy từ 4 - 5 quả, pha thêm ít muối hột. Những người mới bắt đầu thực hiện thử thách bằng 1 - 2 quả chanh/lần. Theo giải thích của chị T., thức uống này làm trẻ hóa cơ thể để hoạt động tốt hơn. Chanh kích thích hệ tiêu hóa do sự hiện diện của flavonoid chống oxy hóa, tăng sức đề kháng. Nước chanh ít calo hỗ trợ giảm cân, ngăn ngừa hôi miệng. Chị T. khẳng định đây là cách thải độc giá rẻ, an toàn, mọi người nên tranh thủ thải độc, làm sạch ruột.
Sau khi xem clip về uống nước cốt chanh thải độc, rửa sạch ruột, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám và tư vấn người lớn - Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, đây là cách làm nhiều tác hại hơn là lợi ích. Uống nước chanh đặc biệt là nước cốt chanh khi bụng đói có thể gây hại cho hệ tiêu hóa, không chữa viêm dạ dày, trào ngược thực quản như một số người nói.
Nước chanh có nhiều tác dụng cho sức khỏe như chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin C, bảo vệ thành mạch, tăng cường hệ miễn dịch và hạn chế tác hại của những gốc tự do để làm chậm sự lão hóa, cung cấp nước cho cơ thể, giúp giải nhiệt khi thời tiết nắng nóng... Nhưng nước chanh chỉ tốt với người không có bệnh lý gì và tùy từng thời điểm uống.
Nước chanh cũng là sản phẩm được nhiều người lựa chọn để thực hiện giảm cân. Thậm chí, có những người nhịn ăn, chỉ uống nước chanh detox với hy vọng thải độc, giảm mỡ, giảm cân.
Tuy nhiên, bác sĩ Hưng cho rằng uống nước chanh liên tục trong 1 tuần sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải do không được nạp năng lượng và dinh dưỡng.
Ngoài ra, khi bụng đói, bạn uống 1 ly nước cốt chanh có thể gây tổn thương dạ dày, hệ tiêu hóa vì hàm lượng axit cao. Những người bị viêm dạ dày, trào ngược thực quản còn được khuyến cáo không dùng nước chanh khi đói.
Cơ thể chúng ta tự làm sạch. Hệ tiêu hóa, gan và thận chính là các cơ quan thải độc. Đến nay, bác sĩ Hưng nhấn mạnh chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định chanh thải độc cho cơ thể. Vì vậy, người dân không nên học theo thói quen “nghe nói” trên mạng làm theo.
Những người không có dấu hiệu viêm dạ dày có thể uống nước chanh vào buổi sáng nhưng không uống nước cốt. Bạn có thể uống một cốc nước ấm, vắt thêm nửa quả chanh, pha mật ong hoặc chút muối tùy theo khẩu vị.
Để khởi động hệ tiêu hóa vào buổi sáng, bác sĩ Hưng cho biết, người dân có thể uống một cốc nước lọc ấm khoảng 200ml hoặc cốc sữa là đủ. Uống nước sau khi ngủ dậy kích thích nhu động ruột và giúp đại tiện đều đặn hơn. Ngoài ra, uống nước vào buổi sáng cũng cung cấp năng lượng cho cơ thể. Nếu thực sự cơ thể bạn cần được "làm sạch", uống nước chính là một trong những cách tốt nhất để duy trì sức khỏe từ bên trong.