Ngày 11/7, mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip Tiktok về một cô gái tự do đi lại, tạo dáng trên đường băng sân bay. Ngay phía sau người này là một chiếc máy bay đang di chuyển.
Theo Đại diện Cục Hàng không Việt Nam, nữ hành khách này di chuyển từ nhà ga ra máy bay bằng xe cobus (loại xe buýt trung chuyển hành khách tại khu bay) tại sân bay Phú Quốc (Kiên Giang). Khi cửa xe vừa mở, cô gái liền chạy ra ngoài để tạo dáng quay clip Tiktok.
Hình ảnh nữ hành khách quay clip tại đường băng và hành vi kẹp điện thoại giữa cửa kính máy bay với tấm che cửa để quay cảnh máy bay cất cánh. |
Trước đó, một số hành khách trẻ có hành vi đặt điện thoại vào sát cửa sổ máy bay rồi kéo tấm che cửa sổ xuống để ghi lại quá trình máy bay cất cánh. Cục Hàng không đã phải chỉ đạo các hãng bay ngăn ngừa hành vi này vì nguy cơ điện thoại phát nổ.
Những video nói trên đều vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích vì hành vi có nguy cơ uy hiếp an toàn bay. Trước đó, các màn đu theo trào lưu, xu hướng của giới trẻ được thực hiện trong sân bay, trên máy bay cũng gặp phản ứng tương tự.
Nhảy nhót trên máy bay
Cuối tháng 2/2013, đoạn clip dài 30 giây ghi lại cảnh hành khách trên một chuyến bay ở Mỹ cuồng nhiệt nhảy điệu "Harlem Shake" - trào lưu hot lúc bấy giờ - vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Trong clip, màn trình diễn bắt đầu với một nam thanh niên rồi nhanh chóng lan sang hàng trăm hành khách có mặt trong chuyến bay. Theo diễn biến ghi lại, những hành khách đã cởi bỏ dây an toàn, nhảy múa cuồng nhiệt gây rung lắc mạnh trên máy bay.
Theo Business Insider, video được quay bởi sinh viên trường Colorado College, khi họ đang trên chuyến bay của hãng hàng không Frontier Airlines, từ Colorado Springs đến San Diego để tham dự thi đấu thể thao.
Điệu nhảy Harlem Shake thực hiện trên máy bay khiến Cơ quan Quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) phải mở cuộc điều tra. |
Đông người xem lên tiếng bày tỏ sự lo sợ, bởi việc đồng loạt tháo gỡ dây an toàn trên một chuyến bay là hành động nguy hiểm, có thể dẫn đến những tình huống ngoài tầm kiểm soát.
Ngay sau đó, Cơ quan Quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) phải mở một cuộc điều tra, xác định nếu vụ việc xảy ra khi máy bay đang trong quá trình cất hoặc hạ cánh, sẽ bị coi là hành vi vi phạm an toàn hàng không nghiêm trọng.
"Nếu đoạn video được quay mà không có sự cho phép của các tiếp viên hàng không, những người tham gia có thể bị buộc tội can thiệp vào tổ bay", đại diện FAA cho biết vào thời điểm đó.
Năm 2018, một thử thách khác có tên gọi Kiki Challenge trở nên thịnh hành lúc bấy giờ. Để tham gia, người quay sẽ mở cửa ôtô, nhảy ra ngoài bên cạnh phương tiện đang lăn bánh này và bắt đầu nhảy theo giai điệu của bài In My Feelings của ca sĩ người Canada Drake.
Bản thân Kiki Challenge bị cảnh báo là trào lưu gây nguy hiểm cho cả người quay lẫn những người tham gia giao thông khác khi dễ xảy ra sự cố trong lúc thực hiện.
Alejandra (tóc vàng) cùng đồng nghiệp nhảy theo trend Kiki Challenge. |
Do đó, khi Alejandra Manriquez, một nữ phi công người Mexico, chuyên lái máy bay riêng cho các ngôi sao và chính trị gia nổi tiếng thế giới, quay video biểu diễn điệu nhảy này với máy bay, cô gái nhận về không ít ý kiến chỉ trích.
Trong clip, Alejandra kéo cần điều chỉnh tốc độ, vội chạy khỏi buồng lái xuống mặt đất và bắt đầu nhảy theo điệu nhạc cùng với người trợ lý trong khi máy bay di chuyển với tốc độ chậm.
Đoạn clip Alejandra cùng người đồng nghiệp thực hiện thử thách cạnh phi cơ có hơn 25.000 lượt xem trên Twitter chỉ trong thời gian ngắn.
Dù đã lên tiếng giải thích rằng cả hai thực hiện Kiki Challenge sau khi đã kết thúc hành trình bay của mình, hành động của Alejandra vẫn không được hoan nghênh.
Đường băng sân bay (bao gồm đường cất hạ cánh, đường lăn song song, thoát nhanh...) là một trong những khu vực đòi hỏi an toàn cao nhất tại sân bay. Người tự ý đi lại tại khu vực này có nguy cơ gây ra tai nạn hàng không, trong đó có nguy cơ bị hút vào động cơ máy bay và tử vong do đứng quá gần.
Câu view để gây chú ý
Trong cùng năm 2018, hai phi công của hãng EasyJet (Anh) bị đình chỉ sau khi đoạn video họ chơi trò chơi trong ứng dụng Snapchat trong buồng lái xuất hiện trên mạng, theo The Guardian.
Cơ phó hoàn thành giấy tờ với một vũ công ảo nhảy nhót bên cạnh. |
Trong video, cơ phó đang hoàn thành giấy tờ với một con cú ảo nhảy bên cạnh. Sau đó, cơ phó cũng vui vẻ nhảy theo một huấn luyện viên thể dục hoạt hình.
Ngoài ra, tài khoản của cơ trưởng còn đăng tải một bức ảnh chụp chính mình sử dụng filter mặt gấu và gắn hashtag “teamflyingnut” (tạm dịch: "đội bay điên rồ").
Phát ngôn viên của EasyJet cho biết clip được quay khi máy bay đang trong chế độ lái tự động, không gây nguy hiểm cho hành khách.
"Dù sự an toàn của hành khách không bị đe dọa, họ đã không đạt được những tiêu chuẩn mà EasyJet kỳ vọng ở các phi công của hãng. Điều này không thể chấp nhận được và trường hợp này không đại diện cho hàng nghìn phi công chuyên nghiệp đang làm việc tại đây”, người phát ngôn của hãng nói.
Máy bay lúc đó đang bay ở độ cao 9.000 m, trong hành trình từ Paris đến Madrid. Nhân viên điều hành trên không của Anh cho biết các phi công cần hạn chế tất cả hoạt động không cần thiết trong những giai đoạn then chốt của chuyến bay, đặc biệt khi máy bay cách mặt đất 3.000 m.
Ava Louiise cố tình tạo video gây sốc trên máy bay để nổi tiếng. |
Ngoài ra, không thiếu hành động không gây mất an toàn bay song lại nhằm mục đích câu view, gây sự chú ý.
Đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu đe dọa nước Mỹ, một nữ influencer có tên Ava Louiise trở thành tâm điểm chỉ trích sau khi chia sẻ đoạn clip liếm nhà vệ sinh trên máy bay.
"Xin hãy chia sẻ video này để mọi người biết cách vệ sinh đúng cách", cô gái 22 tuổi đến từ thành phố Miami (Mỹ) viết chú thích cùng hashtag #coronachallenge.
Nhiều người đã báo cáo video của Louiise và kêu gọi khóa tài khoản của cô gái này. Trước bão chỉ trích, Louiise vẫn không hề có thái độ hối lỗi. Trên trang cá nhân, cô nàng vẫn liên tục chia sẻ các bài viết và video nói về thử thách của mình.
Trả lời Business Insider, Louiise thừa nhận cô muốn nổi tiếng khi chia sẻ đoạn video liếm nhà vệ sinh trên máy bay. Lý do là có quá nhiều tin tức về dịch bệnh nên mức độ phủ sóng truyền thông của cô không được như trước.
"Tôi muốn được chú ý hơn và tôi sẽ tận dụng đoạn clip. Mẹ tôi vẫn cảm thấy tự hào về tôi", cô nói.
Cho rằng cô gái này không chỉ bất chấp bản thân để nổi tiếng mà còn đe dọa sự an toàn của cộng đồng trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều người đề nghị cơ quan pháp luật vào cuộc, xử lý trường hợp này.
(Theo Zing)
Bị chỉ trích khi làm clip TikTok về bệnh nhân sắp qua đời
Đoạn clip ghi lại cảnh một cô gái mặc đồng phục y tá, diễn lại cảnh đau khổ trước cái chết của bệnh nhân bị dân mạng lên án vì "câu view" bất chấp.