Đây là những thông tin được các chuyên gia đưa ra tại Cyber Security Talk với chủ đề “Đổi thay suy nghĩ, đổi mới giáo dục” vừa diễn ra.

Các chuyên gia đã bàn thảo tới nhiều vấn đề mà phụ huynh đang phải đối mặt với việc học online của con cái trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, Chẳng hạn như việc xao nhãng khi học bởi truy cập vào ứng dụng giải trí, thiếu đi trải nghiệm xã hội, ảnh hưởng sức khỏe bởi sử dụng máy tính suốt thời gian dài.

Theo thông tin từ Techfest, tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Nam - nhà sáng lập Tổ chức Giáo dục Trực tuyến FUNiX, nhận định rằng việc xao nhãng trong giờ học không nằm ở vấn đề học online hay offline mà nằm ở kỹ năng sư phạm và nội dung bài giảng có đủ hấp dẫn và thu hút trẻ hay chưa. “Học online hoàn toàn có thể trở nên phong phú, thú vị và hiệu quả nếu chúng ta chấp nhận việc không gặp mặt trực tiếp”.

Theo ông Nguyễn Thành Nam thì học online là cơ hội để thế hệ học sinh, sinh viên mới hội nhập nhanh hơn, đi tắt đón đầu chứ không phải là một vấn đề cần giải quyết: “Hãy nhìn nhận học online như là yếu tố mới, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho con trẻ".

{keywords}
Nhiều cha mẹ lo lắng khi trẻ em dành quá nhiều thời gian trẻn Internet. (Ảnh minh họa)

Tiến sĩ Giáp Văn Dương -  Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường tiểu học Times School, đưa ra những nhận định về vấn đề học online của học sinh, sinh viên, đồng thời đề xuất và chia sẻ một số giải pháp để phụ huynh có thể hỗ trợ con tập trung và học tập hiệu quả hơn. Theo đó, Tiến sĩ Dương cho rằng, phụ huynh có thể sử dụng những phần mềm giám sát và hạn chế trong thời gian học của con, như chế độ trẻ em trên YouTube.

Tuy nhiên, vấn đề về giao tiếp và trải nghiệm xã hội đòi hỏi cha mẹ phải dành thời gian kề cạnh và chia sẻ nhiều hơn với học sinh, không một ứng dụng hay phần mềm công nghệ nào có thể tốt hơn tình cảm mà phụ huynh dành cho con cái trong vấn đề này. Tiến sĩ Dương cũng  cho rằng cách tốt nhất để định hướng cho trẻ không phải cấm đoán hay giám sát, mà là cho trẻ thấy sự hấp dẫn của thế giới thực.

Đồng ý với quan điểm trên, ông Nguyễn Thành Nam cho rằng, Internet đã và đang là một phần của cuộc sống và sự thật là thế giới trên internet hấp dẫn thật. Nếu phụ huynh muốn trẻ đi ra ngoài thì phải cho trẻ thấy thế giới bên ngoài hấp dẫn và thú vị như thế nào.

Một trong những hậu quả do dùng mạng Internet nhiều là việc trẻ bị nghiện game. Song ở thời điểm hiện tại, việc áp dụng các game/quiz vui vào việc học tập đã trở nên phổ biến hơn tại các cơ sở giáo dục. Trong khi về phía phụ huynh, phần lớn luôn nghĩ game chỉ đem đến tác hại cho con.

Ông Nam cho rằng, cha mẹ cần nhìn nhận lại việc vận dụng các trò chơi vào giáo dục để học sinh có hứng thú học tập nhiều hơn và nâng cao chất lượng học tập thay vì cấm đoán và kiểm soát một cách cực đoan. Mối quan tâm của bố mẹ thường không chỉ dừng lại ở nghiện game hay tương tác xã hội mà đa phần muốn kiểm soát con cái. Tuy nhiên trên thực tế kiểm soát trẻ là điều không thể, bởi góc nhìn và tâm thế của bố mẹ và con trẻ hầu hết là khác biệt rất lớn.

Một vấn nạn khác trên mạng Internet mà trẻ em và phụ huynh phải đối mặt là bạo lực mạng hay xâm hại tình dục. Rất nhiều trường hợp trẻ bị bắt nạt, đe dọa, dụ dỗ trên các nền tảng mạng xã hội, đáng báo động là trẻ không có khả năng nhận biết và phản ứng tốt trước những sự vụ này.

{keywords}
Trẻ em thiếu kỹ năng xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm trên mạng. (Ảnh minh họa)

Một tình trạng thường thấy là đa phần trẻ em khi bị rơi vào trường hợp này không muốn và không thể nói với bố mẹ. Khi vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể trở thành tổn hại nặng nề tới sức khỏe và tâm lý của trẻ. Vì vậy, cha mẹ phải thực sự đồng hành như một người bạn để trẻ có thể chia sẻ, tâm sự nhiều hơn với người thân. Công nghệ chỉ có thể là công cụ hỗ trợ ba mẹ bảo vệ và giám sát trẻ chứ không phải là giải pháp toàn diện trong giáo dục và nuôi dạy trẻ.

Qua chương trình, Ban tổ chức mong rằng đã đem lại nhiều thông tin, những giải pháp và lời khuyên hữu ích cho phụ huynh, học sinh, góp phần nâng cao và đổi mới nhận thức trong việc nuôi dạy con cái và định hướng cho trẻ trong học online.

D.V

Các nguy cơ xâm hại trẻ em trên mạng xã hội

Các nguy cơ xâm hại trẻ em trên mạng xã hội

Tiếp xúc với các thông tin giả, bị bắt nạt, để lộ thông tin cá nhân.. là những nguy cơ xâm hại trên mạng xã hội mà trẻ em, đặc biệt trong lứa tuổi 11 đến 16 tuổi thường gặp phải.