Một nữ sinh 15 tuổi sống ở Tokyo (Nhật) đã trải qua ca phẫu thuật cắt mí ngay trước khi tốt nghiệp trung học cơ sở. Em sở hữu hai mắt không đều nhau, một bên rõ hai mí còn bên kia mí lẩn. Sự bất đối xứng này khiến nữ sinh không ưng ý.
Người mẹ cho rằng quyết định phẫu thuật của con “có thể là đúng đắn” khi thấy con vui vẻ. Nhưng bà cũng bày tỏ lo lắng: “Tôi sợ con gái cảm thấy mọi người không có giá trị gì trừ khi họ xinh đẹp. Chúng ta có thể hạnh phúc hơn nếu được sinh ra vào thời điểm chưa có phẫu thuật thẩm mỹ”.
Hiện tại, học sinh cấp 2, cấp 3 và thậm chí cả tiểu học ở Nhật Bản có xu hướng chọn phẫu thuật thẩm mỹ. Giới trẻ muốn sở hữu đôi mắt hai mí để rũ bỏ sự tự ti.
Niềm vui và nỗi sợ
Nữ sinh trên đã tìm hiểu về quy trình cắt mí trên Instagram. Từ khi còn học tiểu học, cô bé đã nói với cha mẹ mong muốn làm thủ thuật trên.
Người cha hứa cho phép con gái phẫu thuật nếu em vượt qua kỳ thi tuyển sinh trung học. Được cha động viên, cô bé chăm chỉ học hành và đậu vào một ngôi trường danh giá.
Những tờ quảng cáo của bệnh viện in thông báo vài trăm USD là đủ để thanh toán chi phí loại hình phẫu thuật không được bảo hiểm y tế chi trả. Khi gia đình đến phòng khám, bác sĩ thông báo tổng chi phí thực tế sẽ lên tới 1.390 USD. Khi người cha tỏ vẻ chần chừ, phòng khám đề xuất gói rẻ hơn, khoảng 350 USD.
Phòng khám nói rằng không thể đảm bảo quy trình này an toàn 100% và sẽ có những rủi ro giống như phẫu thuật y tế.
Nữ sinh đã phẫu thuật vào tối thứ Bảy và đến trường vào thứ Hai tuần sau. Bạn bè nhanh chóng nhận ra và ngưỡng mộ sự thay đổi của em. Một người bạn thở dài và ghen tị với nữ sinh có “cha mẹ thấu hiểu”.
Trong tuần đầu, em tránh giao tiếp bằng ánh mắt với người khác trong khi trò chuyện. Nhưng sau đó, khi mắt hết sưng, em “cảm thấy vui vẻ hơn do mặc cảm đã biến mất”. Em cho rằng “những người có ngoại hình đẹp hơn sẽ được xã hội ưu đãi khi khả năng của họ ngang nhau”.
Có làm trầm trọng sự phân biệt?
Phòng khám Tokyo Isea thông tin, ngày nay, thanh thiếu niên mong muốn phẫu thuật thẩm mỹ nhiều hơn. Quy trình được tìm kiếm nhiều là tạo mắt hai mí. Số người từ 10 đến 19 tuổi được phẫu thuật tại phòng khám trên tăng mạnh từ năm 2015 đến 2021.
Katsuyuki Yoshitane, Giám đốc của Tokyo Isea Clinic, cho biết những tính năng mới trên điện thoại thông minh và mạng xã hội đã thúc đẩy các bệnh nhân: “Nhiều người mong muốn được đến gần hơn với hình ảnh của mình đã qua các ứng dụng xử lý ảnh”.
Một hệ thống phòng khám lớn ở Nhật đã phẫu thuật tạo mắt hai mí cho 26.500 người từ 10 đến 19 tuổi vào năm 2022, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là 11 tuổi. Trong khi số ca phẫu thuật năm 2019 mới là 16.000 người.
Rintarou Asahi, giảng viên tại Trường Y khoa Nippon, kêu gọi sự thận trọng: “Thanh thiếu niên không có nguy cơ cao hơn. Nhưng có thể là tàn nhẫn khi những đứa trẻ ở độ tuổi học sinh phải chịu trách nhiệm về bất kỳ biến chứng có thể phát sinh”.
Ngành làm đẹp gắn liền với chủ nghĩa ngoại hình - định kiến hoặc phân biệt đối xử dựa trên vẻ ngoài.
Một quảng cáo của một phòng khám thẩm mỹ in hình ảnh ba nữ sinh trung học với dòng chữ: "Chúng mình muốn giữ vẻ dễ thương càng lâu càng tốt trong suốt ba năm trung học thoáng qua”. Chi phí phẫu thuật mắt hai mí có giá 276 USD.
Ngay sau khi lan truyền trên Twitter, quảng cáo trên đã vấp phải sự chỉ trích từ những người coi đó là “thúc đẩy chủ nghĩa ngoại hình”, “không nên dành cho học sinh trung học”.