Những tháng đầu năm 2023, tại Việt Nam, trẻ em, người cao tuổi, sinh viên, người lao động thu nhập thấp,... đang trở thành mục tiêu nhắm đến của những kẻ lừa đảo trực tuyến. Các nhóm lừa đảo đã hướng sự chú ý vào những đối tượng này do đây là nhóm người 'thiếu' khả năng nhận diện các dấu hiệu, hành vi lừa đảo.
VietNamNet mới đây đã có cuộc trò chuyện với bà Genie Sugene Gan - Giám đốc phụ trách Quan hệ Chính phủ và Chính sách công Khu vực châu Á - TBD của công ty bảo mật Kaspersky. Buổi phỏng vấn nhằm làm rõ hơn về những nguy cơ trên Internet mà trẻ em, người cao tuổi và các đối tượng yếu thế đang phải đối mặt.
Vì sao lừa đảo trực tuyến xuất hiện nhiều và ngày càng phức tạp? Nguyên nhân có phải do chúng ta đang kết nối Internet quá nhiều?
Genie Sugene Gan: Tôi luôn đùa rằng, nếu tốc độ kết nối Internet ở bất kỳ quốc gia nào chậm, quốc gia ấy sẽ có xu hướng an toàn hơn vì khi kết nối kém, những kẻ tấn công không có không gian mạng để thực hiện hành vi lừa đảo.
Việc gia tăng kết nối số là một trong những lý do dẫn đến xuất hiện dày đặc những vụ lừa đảo trực tuyến. Chính vì sự bùng nổ của chuyển đổi số ở Việt Nam cũng như trên thế giới đã làm tăng khả năng xảy ra và tỷ lệ thành công của các vụ lừa đảo trực tuyến.
Nhiều vụ lừa đảo trực tuyến thành công trót lọt do kẻ tấn công sử dụng hình thức lừa đảo phi kỹ thuật. Về cơ bản, đó là một kỹ thuật được tội phạm mạng dùng để khai thác các chủ đề và xu hướng nhằm đánh lừa, thao túng tâm trí con người.
Làm thế nào để duy trì sự cân bằng giữa việc tăng cường số lượng kết nối Internet nhưng vẫn bảo vệ an toàn cho người dùng trên không gian mạng?
Genie Sugene Gan: Người dùng cần được kết nối theo cách an toàn, bằng việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa. Chúng ta cần suy nghĩ kỹ trước khi chuyển giao bất kỳ thông tin nhạy cảm nào cho người khác. Hãy hết sức cẩn thận khi bạn nhận được thông báo trên điện thoại, email từ ngân hàng, bệnh viện, phòng khám hoặc thậm chí từ các cơ quan chính phủ. Đôi khi nó có thể là những tin nhắn ngụy trang bởi kẻ lừa đảo.
Chúng ta cần phán đoán sự việc trước khi nhấp chuột vào bất cứ thứ gì. Không nên mở, hoặc tải xuống bất kỳ tệp hoặc hình ảnh đính kèm nào vào điện thoại, máy tính khi nhận được qua email hoặc tin nhắn vì một số tệp này có thể chứa phần mềm độc hại, thậm chí là phần mềm gián điệp nhằm xâm nhập vào thiết bị người dùng. Theo kinh nghiệm của tôi, không nên nhấp vào các liên kết nhúng trong tin nhắn hoặc thông báo, thậm chí cả email.
Làm sao để bảo vệ những người yếu thế, những người ít hiểu biết về công nghệ trước những cuộc tấn công của kẻ xấu trên mạng?
Genie Sugene Gan: Những người trên 55 tuổi nhìn chung không hiểu biết nhiều về an ninh mạng. Chỉ 1/3 trong số họ từng nghe về khả năng bị theo dõi qua webcam, theo khảo sát của Kaspersky.
Tuy vậy, người dùng Internet trên 55 tuổi lại là những người sử dụng nhiều thiết bị tiện ích. Theo khảo sát của chúng tôi, 1/4 số người trên 55 tuổi được hỏi cho biết họ sử dụng máy tính bảng, 1/3 sử dụng smartphone. Trong đó, các thiết bị của Apple là một trong những sản phẩm được sử dụng phổ biến. Nhìn chung, người cao tuổi dễ trở thành mục tiêu của các đối tượng lừa đảo qua mạng và hiện tại, chưa có giải pháp nào nhanh chóng để giải quyết vấn đề này.
Trong những lần làm việc với các chính phủ trên thế giới, chúng tôi thường xuyên bàn luận về vấn đề người cao tuổi vì đó là một trong những mối quan tâm hàng đầu.
Ở một số quốc gia, chúng tôi thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức và chương trình giáo dục. Hình thức này mất nhiều thời gian, cần sự kiên trì thực hiện từng bước một nhưng đây là giải pháp tối ưu nhất.
Đơn cử như lừa đảo là gì và những dấu hiệu nhận biết cho thấy chúng ta vừa bị lừa, hoặc vừa bị xâm nhập vào điện thoại? Tôi nghĩ doanh nghiệp tư nhân và chính phủ cần phải phối hợp với nhau nhiều hơn.
Tại Việt Nam, Kaspersky đã hợp tác với Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) trong nhiều năm và có một bản ghi nhớ lâu dài (MOU). Hằng năm, chúng tôi cùng nhau thực hiện một số dự án để nâng cao nhận thức về nhiều vấn đề khác nhau.
Năm 2022, để hỗ trợ chính phủ Việt Nam, chúng tôi đã phát động chương trình chống phần mềm độc hại, diệt Botnet và đã nhận về kết quả khá tốt. Chương trình rất thành công vì đã quét sạch một lượng lớn Botnet và phần mềm độc hại liên quan đến địa chỉ IP của Việt Nam.
Chúng tôi cũng cung cấp phần mềm để người dùng tải xuống miễn phí trong thời gian chiến dịch diễn ra. Số lượng tải xuống nhiều đáng kể. Hy vọng những chiến dịch này đã góp phần nâng cao nhận thức chung của người dân Việt Nam về an toàn an ninh mạng.
Trẻ em ngày nay tiếp cận với Internet và các thiết bị kết nối Internet từ rất sớm. Vậy đâu là độ tuổi và phương pháp phù hợp để trẻ tiếp xúc với công nghệ?
Genie Sugene Gan: Theo báo cáo về sở thích của trẻ trên mạng (Kids’ interest Report), ở những trò chơi phổ biến nhất dành cho trẻ trên Internet, độ tuổi trung bình của người chơi là từ 3-16 tuổi.
Thông qua những trò chơi này, trẻ em sẽ tiếp xúc với bạn bè và những người lạ trong không gian ảo. Theo đó, đã có gần 40.000 dạng tệp độc hại được phát tán dưới hình thức các trò chơi phổ biến dành cho trẻ em vào năm 2022.
Kaspersky đã phát hiện hơn 7 triệu cuộc tấn công chỉ riêng trong năm 2022 liên quan đến các trò chơi phổ biến dành cho trẻ em. Thật đáng kinh ngạc khi các vụ tấn công tăng 57% so với năm 2021. Những tựa game phổ biến nhất bị tội phạm mạng khai thác là Minecraft và Roblox.
Ngày nay, trẻ em sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều. Lời khuyên của chúng tôi là các bậc phụ huynh nên kiểm soát và hướng dẫn con mình dùng mạng xã hội đúng cách. Trước hết, họ phải thực sự nhận thức được tầm quan trọng và am hiểu về vấn đề này.
Chúng ta thường chia sẻ thông tin quá mức trên mạng xã hội. Những người trên mạng thực sự không cần biết bạn ở đâu, vào thời điểm nào, với ai hoặc làm gì. Đôi khi, nếu không cẩn thận, bạn sẽ vô tình chia sẻ một số thông tin bí mật, đăng nó lên mạng xã hội mà không hề nhận ra. Về cơ bản, tôi nghĩ chúng ta cần phải rất cẩn thận trong cách sử dụng mạng xã hội.
Quy định pháp luật cần hạn chế trẻ em trên 13 tuổi sử dụng mạng xã hội. Nếu bạn là cha mẹ của trẻ dưới 13 tuổi, bạn cần phải hướng dẫn con mình sử dụng mạng xã hội đúng cách.
Điều quan trọng là cha mẹ phải biết con họ đang dùng nền tảng mạng xã hội nào và nên học cách giao tiếp với con cái để chúng mở lòng với cha mẹ. Khi đó, chúng sẽ không ngại chia sẻ và việc này có thể ngăn chặn được rất nhiều điều xấu xảy ra.
Để bảo vệ trẻ em trên mạng, chúng ta cũng có thể sử dụng một số giải pháp công nghệ được cài đặt vào trong các thiết bị tại trường học, máy tính và các thiết bị ở nhà.
Bà đánh giá thế nào về những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ người lớn tuổi, trẻ em và những người yếu thế trên không gian mạng?
Genie Sugene Gan: Tôi cho rằng Việt Nam có tầm nhìn rõ ràng về việc trở thành một quốc gia tự chủ về an ninh mạng nhằm đảm bảo sự tăng trưởng liên tục của nền kinh tế, đặc biệt là trên không gian mạng. Tốc độ chuyển đổi số ở Việt Nam rất nhanh, điều này cũng dẫn đến việc tăng rủi ro về an ninh mạng.
Theo Vietnam Digital Report 2023, gần 80% dân số Việt Nam sử dụng Internet, trong đó có 71% người sử dụng mạng xã hội. Chính phủ Việt Nam đã nắm bắt rất rõ những xu hướng này và biết rằng với quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, có rất nhiều việc cần phải làm để nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm tăng cường an ninh mạng.
Trong những năm gần đây, chính phủ Việt Nam cũng đã rất nỗ lực trong việc hợp tác với khu vực tư nhân để tiến gần hơn với việc nâng cao nhận thức và tăng cường an ninh cho đất nước và cộng đồng. Chúng tôi mong muốn tăng cường hợp tác với chính phủ để phục vụ tốt hơn nữa cho người dân Việt Nam.
Cảm ơn bà về buổi trao đổi này.