Hóc dị vật đường thở là tai nạn mà bất kì trẻ nhỏ nào cũng có thể gặp phải nếu bố mẹ lơ là, thiếu cảnh giác. Trong tình huống nguy hiểm này, việc trang bị kỹ năng sơ cứu cần thiết để tránh hậu quả đáng tiếc là hết sức quan trọng.
Bé trai ở Thái Nguyên tử vong do hóc hạt nhãn
Chiều ngày 17/8, Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên cho biết, đêm 16/8, bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp bé trai bị hạt nhãn mắc kẹt trong cổ họng, đã ngưng thở ngay tại nhà, sau đó được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng không kịp.
Đây là chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện trẻ tử vong do hóc dị vật vì người lớn bất cẩn, lơ là và thiếu kỹ năng sơ cứu trong những tình huống khẩn cấp.
Hình ảnh người cha ôm thi thể con khóc vì hóc hạt nhãn khiến nhiều người rơi nước mắt. Ảnh: Facebook |
Hóc dị vật là tai nạn dễ gặp ở trẻ nhỏ. Nếu không được sơ cứu kịp thời, dị vật có thể mắc kẹt trong đường thở của trẻ, khiến trẻ bị khó thở, ngạt thở và tử vong ngay sau đó. Do đó, nếu trong nhà có trẻ nhỏ, bố mẹ nên tự mình trang bị kiến thức cơ bản về sơ cứu trẻ khi bị hóc dị vật.
Cách sơ cứu trẻ hóc dị vật đường thở
Biểu hiện của trẻ khi hóc dị vật
Khi hóc phải dị vật, trẻ sẽ có những biểu hiện điển hình như: trẻ đang chơi đùa bỗng nhiên ho dữ dội, có trẻ không khóc mà chỉ ú ớ, khó thở, chân tay cứng đờ, co giật, toàn thân tím tái,... Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể ngừng thở và tử vong ngay tại chỗ do dị vật gây tắc nghẽn đường cung cấp oxi cho phổi.
Do đó, khi trẻ có những biểu hiện trên, bố mẹ cần nhanh chóng sơ cứu và tìm cách lấy dị vật ra khỏi cổ họng của trẻ hoặc đưa trẻ đến cơ sở ý tế gần nhất. Trong khoảng thời gian từ 5 - 6 phút kể từ khi trẻ hóc dị vật, nếu không được sơ cứu kịp thời có thể trẻ sẽ tử vong.
Phương pháp sơ cứu trẻ hóc dị vật
- Với trẻ dưới 2 tuổi: Thực hiện phương pháp vỗ lưng - ấn ngực
Dốc ngược đầu trẻ xuống, một tay giữ chặt người trẻ, tay còn lại vỗ mạnh 5- 7 cái vào lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ để tạo áp lực trong lồng ngực và đẩy dị vật ra ngoài. Nếu dị vật vẫn chưa bị đẩy ra, bố mẹ tiếp tục đặt trẻ nằm ngửa, dùng hai ngón tay trỏ ấn thật mạnh và nhanh vào vùng thượng vị (vị trí trên rốn, dưới xương ức) của trẻ.
Phương pháp vỗ lưng - ấn ngực |
Lặp lại động tác này nhiều lần. Tuy nhiên, nếu cả hai cách đều không hiệu quả, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.
- Với trẻ trên 2 tuổi: thực hiện biện pháp ép bụng, còn được gọi là phương pháp Heimlich
+ Nếu trẻ còn tỉnh tảo
Cho trẻ đứng thẳng người. Bố mẹ đứng sau lưng trẻ ở tư thế chân trước chân sau, hai chân lồng giữa hai chân trẻ (hoặc quỳ gối xuống để cao ngang tầm trẻ), choàng 2 tay ra trước ngang thắt lưng trẻ. Một tay nắm chặt, tay còn lại đặt lên tay kia để tạo lực. Đặt hai tay lên vùng thượng vị của trẻ rồi ấn mạnh theo chiều từ dưới lên trên 5 cái. Nếu dị vật vẫn chưa ra thì tiếp tục thực hiện động tác này 6 - 10 lần.
Phương pháp ép bụng |
+ Nếu trẻ hôn mê, bất tỉnh
Đặt trẻ nằm ngửa. Khi này bố mẹ quỳ gối, hai chân để sát vào hai bên đùi trẻ. Nắm chặt hai bàn tay rồi đột ngột ấn mạnh vào vùng dưới xương ức của trẻ. Ấn theo chiều từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp.
Lưu ý, trường hợp trẻ hôn mê và không thở được, bố mẹ cần thực hiện hà hơi thổi ngạt rồi mới tiến hành sơ cứu. Nếu trẻ vẫn chưa thở được, cần tiến hành song song hà hơi thổi ngạt và dùng tay ấn mạnh vào dưới xương ức trẻ cho đến khi dị vật văng ra ngoài.
Sau khi thực hiện các bước sơ cứu cho trẻ, bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bố mẹ có thể áp dụng cách sơ cứu phù hợp để đảm bảo lấy dị vật ra khỏi người trẻ càng nhanh càng tốt.
(Theo Sức khỏe cộng đồng)