Trước khi tôi chọn học sư phạm, ông nội và bố cứ kể mãi câu chuyện cụ tứ đại họ Trần lúc ấy là thầy đồ Trần Đình Lan dạy sơ học yếu lược nổi tiếng cả mấy tổng. Cụ có cháu nội ham chơi, học trước quên sau, không chịu “cất chữ vào đầu”. Học xong vỡ lòng, nghỉ hè mấy tháng, đứa cháu quên sạch chữ.
Ông liền gọi cháu nội vào túp lều trại trong khu đồi vắng ở cùng. Mỗi buổi sáng, ông dậy thật sớm, dùng gạch non viết 1 chữ cái o, a... khắp nơi quanh nhà. Ông yêu cầu cháu đi quanh lều, gặp chữ cái đều phải đọc to.
Một hôm, có ông khách đến chơi, thấy thằng bé thi thoảng lại "ô... ô... ô...", lấy làm lạ liền hỏi và được ông giải thích: Nó “dốt” nên tôi cho nó học theo cách "mưa dầm thấm lâu" vậy.
Về sau, đứa cháu cũng nên người.
Giữ lấy nhân hòa
Trước khi nhập học, tôi được bố cho đạp xe về quê báo cáo với ông bà nội và vào tận túp lều trại của cụ tứ đại để chào và xin cụ chỉ giáo vài lời trước khi theo nghiệp làm thầy. Cụ cho tôi mượn cuốn "Đắc nhân tâm" và dặn:
- Cháu sắp đi học để làm công việc "trồng người” rồi đấy. Vậy cần làm thế nào cho vừa lòng người cũng là điều cần học mỗi ngày. Cháu đọc cuốn sách này đi, rồi khi nào được nghỉ, về đây ta sẽ đàm đạo với cháu. Mình con nhà nghèo, thiên thời, địa lợi có thể không có nhưng nhất định phải giữ lấy nhân hòa. Trồng người, dạy người trước hết phải biết yêu người cháu nhé. Có yêu người mới làm cho họ tốt lên được.
Tôi mạnh dạn hỏi cụ chuyện dạy cháu nội là thật hay do người ta đồn thổi, cụ không những kể đúng như thế mà còn phân tích:
- Việc sử dụng giáo cụ trực quan là cách rất tốt cho việc ghi nhớ. Hình ảnh của chữ viết được đôi mắt - như cái máy ảnh chụp lại rồi ghi vào não bộ tại một miền nhớ. Cho nên, với những đứa trẻ biếng học, ham chơi, lười ghi nhớ tinh như chữ viết, ưa ghi nhớ thô như vận động tay chân là rất khó dạy (Tôi ngạc nhiên về kiến thức tâm lí giáo dục học của cụ).
Còn những đứa trẻ nhận thức chậm, não bộ như bãi đất trống, chưa từng hoặc ít được cày xới. Muốn vạch trên đó một con đường, không được dùng cuốc xẻng hay máy ủi làm chúng tốn thương. Hãy dạy chúng nhẹ nhàng từng tí một, theo kiểu đi đi lại lại trên cùng một lối tạo vệt mòn. Cỏ hoang chết đi, con đường sẽ dần lộ ra. Học giỏi như cháu chắc hiểu ý ta?
Mở tấm liếp thưa tiễn tôi ra về, trước khi quay lại túp lều trại, cụ còn dặn thêm: "Mà này cháu, theo nghiệp giáo thì hãy đọc phần 4, chương 22: Trước khi phê bình, hãy khen ngợi đi nhé".
Tôi biết lựa chọn của mình khi đó là cách nối dài mạch nguồn truyền thống gia đình. Thi thoảng cuối tuần, trên đường về nhà tôi lại ghé túp lều trại trong khu đồi vắng và mong chờ những lời chỉ dạy dung dị giản đơn nhưng góp phần lớn lao cho tôi trên con đường mà tôi đang chọn.
"Sao rồi? Đọc xong phần đó, cháu thấy lời khen có tác dụng chưa? Mai sau cháu cũng cần áp dụng mẹo này trong dạy học. Ta cùng trở lại việc dạy những đứa trẻ chậm hiểu nhé. Còn những đứa trẻ vốn giỏi giang, ta chỉ cần làm thức dậy trong chúng sự say mê.
Lời khen trước khi chê khiến chúng cảm thấy không quá mất mặt trước bạn bè. Những lỗi lầm bị phê bình ở câu sau đã được câu khen trước đó an ủi.
Lời chê trách dành cho trẻ nhỏ, đặc biệt những đứa trẻ bị coi là “học dốt” cũng không nên gay gắt, hoặc chúng sẽ tổn thương sâu, hoặc phản tác dụng khi chúng phản kháng không thèm nghe nữa vì đằng nào mình cũng kém cỏi rồi.
Khen đúng cách trước khi chê xem như một sự khích lệ, tạm ứng một cái đích cho chúng đạt tới và luôn có thầy cô dẫn lối để chúng không lầm lạc mà tiếp tục sửa sai. Kiến thức cháu đã được học trong nhà trường. Ta chỉ căn dặn cháu những điều nhỏ nhặt. Mong rằng nó sẽ giúp cháu hoàn thành sứ mạng cao đẹp mà cháu chọn".
Tận hôm nay, tôi mới nhận ra sau hơn 30 năm, chân lí giản đơn ấy còn đúng đắn. Những lời răn của cụ giáo Lan năm ấy về sự bền bỉ khi dạy những đứa trẻ nhận thức chậm, về cách ứng xử chất chứa lòng yêu thương đã cho tôi lòng kiên trì trên con đường mà tôi đang bước.
Giờ đây, tôi vẫn đang thổi lòng kiên nhẫn vào tâm thức bao đứa trẻ, thậm chí cả những đứa không được "thông minh vốn sẵn tính trời", giúp chúng vươn lên học tốt.
Trần Thị Điều (Trường THCS Lý Tự Trọng, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc)
Ban Giáo dục báo VietNamNet mở diễn đàn "Có học sinh dốt thật không?", mong nhận được ý kiến của độc giả. Đóng góp xin gửi về bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin chân thành cảm ơn! |